Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong muốn xử lý nghiêm minh vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỷ

Nhóm PV NC
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/3, sau thông tin cơ quan cảnh sát điều tra mở rộng vụ án đánh bạc quy mô lớn, lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Hóa -nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an), dư luận đang đặc biệt quan tâm và nêu quan điểm về vấn đề này.

Tiếp tục làm rõ đường dây đánh bạc ngàn tỷ
Hiện tại, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam 74 đối tượng để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ.
 Ảnh minh họa.
Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ, các đối tượng điều hành chính của đường dây là Phan Sào Nam (SN 1979), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online và Nguyễn Văn Dương (SN 1975) lãnh đạo một công ty về công nghệ cao ở Hà Nội. Từ năm 2014 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng điều hành đã mở rộng hoạt động đánh bạc tại 13 tỉnh, thành trên cả nước với 25 đại lý.
Riêng ông Nguyễn Thanh Hóa (SN 1958) bị cơ quan công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội “Tổ chức đánh bạc”. Cơ quan công an xác định ông Nguyễn Thanh Hóa mặc dù có vai trò là Cục trưởng C50 nhưng không ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp mà còn có dấu hiệu tiếp tay để nhóm tội phạm hoạt động trong một thời gian dài…

Theo luật sư Nguyễn Hồng Quang (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc tổ chức đánh bạc thường mang lại nhuận khổng lồ cho các đối tượng điều hành đường dây. Việc kinh doanh đánh bạc bị Nhà nước cấm nên các đối tượng phải tìm cách hợp thức hoá lợi nhuận có được, gọi cách khác là phải rửa tiền. Bản chất của việc rửa tiền là phải làm cho đồng tiền mất dấu và cuối cùng cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc “tiền bẩn” ban đầu hoặc làm sạch số tiền này bằng các công ty bình phong. Trong vụ án đánh bạc tại Phú Thọ, nhóm tổ chức đánh bạc đã sử dụng một công ty kinh doanh trò chơi trên mạng internet để chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, thu lợi bất chính. Nhóm này có nhiều dấu hiệu phạm tội có hệ thống, từ tổ chức đánh bạc đến mua bán hoá đơn bất hợp pháp nhằm che dấu, hợp thức hóa số tiền kinh doanh phi pháp có được.

Xử lý nghiêm khắc

Ông Đặng Ngọc Thịnh - Tổ trưởng dân phố số 30, cụm 5, phường Văn Chương, quận Đống Đa rất quan tâm đến diễn biến xử lý vụ án liên quan đến sai phạm của cán bộ công an. Ông Thịnh cho biết, việc thông tin rộng rãi quá trình xử lý cán bộ công an có sai phạm đã làm Nhân dân “tâm phục, khẩu phục”. Đảng và Nhà nước đã thể hiện rõ lập trường xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, thông qua việc xử các đại án tham nhũng vừa qua và xử lý cán bộ cấp cao liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc.
“Là một cán bộ lãnh đạo công an cấp cao với nhiệm vụ ngăn chặn tội phạm công nghệ cao lại tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao hoạt động một thời gian dài là điều không thể chấp nhận được. Những đối tượng này rất cần xử lý nghiêm minh làm gương, ngăn chặn tiền lệ xấu” – Ông Thịnh nêu quan điểm

Nhìn nhận về đường dây đánh bạc online “khủng” xuyên quốc gia trên, bà Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng: Chỉ đạo của Ban Bí thư mới đây về việc tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước đã thể hiện tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Tinh thần này không chỉ thể hiện trong việc chỉ đạo xử lý vụ việc này mà cũng đã thể hiện trong một số vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao gần đây, cho thấy tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) “về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng” tiếp tục thể hiện rõ, đó là: Không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” trong xử lý cán bộ vi phạm. Qua quyết tâm chỉ đạo xử lý nghiêm minh như vậy, tôi cho rằng tác động lớn nhất là giúp tăng cao niềm tin trong Nhân dân. Đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng cũng góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa, đẩy mạnh sự phát triển.