"Chính quyền Washington vốn có ý định quân sự hóa Biển Đen với quy mô lớn, đã bày tỏ sự hoài nghi đối với Công ước Montreux quy định việc tàu thuyền đi qua eo biển. NATO cũng không hài lòng khi công ước này dành sự ưu tiên nhiều hơn cho các tàu của các nước thuộc Biển Đen" - ông Nikolai Patrushev, Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết khi trả lời phỏng vấn báo Rossiyskaya Gazeta hôm 25/7.
Trợ lý Tổng thống Nga cho biết: "Vào những năm 1990, Mỹ đã thường xuyên điều tàu chiến và tàu hỗ trợ đến khu vực Biển Đen. Một trong những con tàu đầu tiên được Washington gửi đến khu vực này là tàu ngầm Grapple được thiết kế để huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và hỗ trợ tàu ngầm gặp nạn. Trong khi đó, Công ước Montreux cấm tàu ngầm của các quốc gia không thuộc Biển Đen lưu thông”.
Ông Patrushev nói thêm rằng tàu cứu hộ Grapple vẫn thường xuyên đến Biển Đen và gần đây đã tham gia các cuộc tập trận tại vùng biển của Gruzia.
Quan chức Điện Kremlin cũng chỉ trích chiến lược an ninh hàng hải mới nhất của Ukraine. Ông Patrushev lưu ý thêm rằng Công ước Montreux đã đặt ra các quy tắc cho tàu thuyền từ các quốc gia không thuộc Biển Đen đi qua vùng biển này.
Theo Công ước Montreux, Thổ Nhĩ Kỳ phải cho phép các tàu thương mại qua lại eo biển Dardanelles và Bosphorus miễn phí trừ khi có chiến tranh hoặc khi bị một thế lực bên ngoài đe dọa. Công ước cũng bắt buộc hạn chế đáng kể đối với tàu hải quân các quốc gia không thuộc Biển Đen (chủ yếu của NATO) ngay cả trong thời bình. Theo Công ước, không một quốc gia nào có thể cho hơn 9 tàu hải quân có tải trọng đến 15.000 tấn lưu thông vào Biển Đen; không một nhóm quốc gia duyên hải nào ngoài khu vực có thể đưa tàu hải quân có tải trọng hơn 45.000 tấn vào Biển Đen; các con tàu này không được phép hoạt động quá 21 ngày tại Biển Đen.
Cũng theo quan chức Nga, Washington đang muốn lập các trung tâm hậu cần tại khu vực Biển Đen để đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Kiev và triển khai vũ khí tầm xa.
“Tại các quốc gia trong khu vực Biển Đen, Mỹ có ý định thành lập các trung tâm hậu cần để đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cũng như triển khai vũ khí tầm xa hiện đại” - đài Sputnik hôm 25/7 dẫn lời ông Patrushev cho biết.
Vị quan chức này nói thêm rằng tại hội nghị thượng đỉnh mới đây tại Washington, NATO đã trình bày các kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự và đối đầu ở Biển Đen.
Ông Patrushev khẳng định sẽ không có chuyện các tàu của phương Tây hỗ trợ Kiev đi qua các cảng của Biển Azov mà không bị cản trở.
“Các nước phương Tây đang trực tiếp ủng hộ Kiev trong việc tiến hành các hoạt động quân sự và khủng bố chống lại Nga, vì vậy bất cứ tàu thuyền nào của các quốc gia nói trên muốn tự do đi lại đến các cảng Azov cũng là điều không thể” - quan chức Điện Kremlin cảnh báo.
Trợ lý Tổng thống Nga nói rằng số lượng các cuộc tập trận chung giữa Hải quân Nhật Bản, các nước NATO cùng các đồng minh quân sự khác của Washington vào năm 2024 đã tăng gấp 30 lần so với năm ngoái.
“Số lượng các cuộc tập trận song phương giữa Hải quân Nhật Bản và hải quân các nước NATO cùng các đồng minh quân sự khác của Mỹ trong năm 2024 đã tăng gấp 30 lần so với năm 2023” - ông Patrushev cho biết.
Trước đó, hôm 17/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố sắc lệnh mới nhất của về chiến lược an ninh hàng hải mới. Sắc lệnh vạch ra chiến lược của Ukraine nhằm đảm bảo an ninh ở Biển Đen và bao gồm các biện pháp nhằm tăng cường lực lượng hải quân Ukraine, trong đó có cả sự hiện diện thường trực của lực lượng NATO ở Biển Đen.