Đây là số trải nghiệm thứ 2 trong 5 số trải nghiệm thực tế của chương trình “Về nguồn 2018 – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội”, do Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) kết hợp với Đoàn trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng một số đơn vị khác tổ chức.
Hành trình khám phá ngôi làng cổ nghìn tuổiLàng Triều Khúc ( xã TânTriều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hay còn gọi là làng Đơ Thao, là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Hà Nội. Trên gò Cây Táo của làng, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ khảo cổ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày khoảng 3500 năm. Là một làng cổ nên đến nay Triều Khúc vẫn bảo tồn được nhiều công trình kiến trúc lâu đời cùng với những tập tục văn hóa truyền thống.
|
Đình Đại của làng Triều Khúc. |
Chúng tôi – những nhân vật trải nghiệm của chương trình đã có mặt ngay từ sáng tại UBND xã Tân Triều để chuẩn bị cho hành trình khám phá làng cổ Triều Khúc và tìm hiểu về điệu múa bồng linh thiêng. Theo chân chị Triệu Vân Ánh (Cán bộ Văn hóa – Thông tin xã Tân Triều), chúng tôi được đến tham quan và tìm hiểu nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu của làng như: đình Đại, đình Sắc, khu lăng mộ Lê Triều Quận chúa,… và còn được tìm hiểu về nghề làm cù thọ – một trong những nghề thủ công lâu đời của Triều Khúc.
Triều Khúc có một điều đặc biệt là có hai ngôi đình gồm đình Đại và đình Sắc, trong đó đình Sắc là nơi giữ sắc phong của thần và đình Đại là nơi thờ Bố cái Đại vương Phùng Hưng. Liên quan đến lịch sử của đình, chị Ánh cho biết: “Tương truyền, vào năm 791 khi Phùng Hưng đem quân vây thành Tống Bình (nội thành Hà Nội ngày nay) đã chọn Triều Khúc làm nơi đóng quân. Sau khi Phùng Hưng mất, dân làng Triều Khúc đã lập đền thờ và suy tôn ngài thành Thành hoàng làng. Đại bản doanh khi xưa chính là vị trí đình Đại hiện nay”.
Điệu múa cổ “cái đĩ đánh bồng”Ngay chính tại đình Đại, chúng tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng điệu múa bồng linh thiêng của người làng Triều Khúc, hay còn gọi là điệu múa “cái đĩ đánh bồng”.
Múa bồng, một trong những điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa còn tồn tại đến ngày nay, được cho rằng có từ thời Phùng Hưng. Người làng Triều Khúc vẫn thường truyền lại rằng: khi Bố cái Đại vương đóng quân ở làng Triều Khúc, ngài đã cho binh lính đóng giả gái đeo trống nhỏ để múa nhằm khích lệ tinh thần của quân lính. Từ đó trở đi múa bồng đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người làng.
Nói về điệu múa bồng của Triều Khúc, ông Giang Nguyên Thái (PCT Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) đã chia sẻ: “Trong Hà Nội hiện nay có khoảng 7, 8 điệu múa bồng, nhưng điệu múa bồng của Triều Khúc là điệu múa đẹp nhất. Đó là một điệu múa vừa khỏe mạnh, vừa khoáng đạt, truyền cảm và mang đầy màu sắc dân gian”. Nói múa bồng Triều Khúc là điệu múa đẹp nhất quả thật không ngoa khi mà tất cả chúng tôi ngày hôm ấy đều đã bị hút hồn vào trong điệu múa độc đáo này.
Trong không gian đình làng Đại cổ kính, bốn nam nhân giả gái trước ngực đeo trống liên tục múa trong tiếng thanh la và tiếng trống của đội nhạc, mặc cho cái nắng ban trưa đang gay gắt. Bốn “cái đĩ” ai cũng mặt hoa da phấn, đầu chít khăn mỏ quạ, trang phục sặc sỡ với chiếc váy nhiễu màu đen được choàng lên những dải màu ngũ sắc. Với những động tác khoa rộng chân tay, bước rộng, khi thì các “cái đĩ” đối mặt, trao nhau những cái nhìn tình tứ, đong đưa, khi thì xoay người, thân mật dựa lưng vào nhau. Nghệ nhân Triệu Đình Hồng có chia sẻ với chúng tôi rằng: “Trong múa bồng bên cạnh các động tác múa thì vẻ mặt, ánh mắt của người múa là hết sức quan trọng. Khi múa các “cái đĩ” phải có vẻ mặt tươi cười, rạng rỡ, cùng với đó là mắt phải thật đong đưa và lẳng lơ”. Vừa nói, nghệ nhân vừa múa một vài động tác để minh họa. Chúng tôi đã phải ồ lên trước những động tác múa đầy phóng khoáng và đặc biệt là những cái liếc mắt lúng liếng “rất tình” của một cụ ông đã ngoài 70.
Có lẽ chính những điều đó đã tạo nên nét đặc trưng riêng có của điệu múa bồng làng Triều Khúc. Thầy Nguyễn Duy Huệ (Hiệu trưởng trường THCS Tân Triều), một người đam mê nghiên cứu múa bồng đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Tôi đã từng đến nhiều làng để xem múa bồng, thậm chí còn tức trực nhiều ngày ở đó để ghi hình từng động tác múa. Có vậy mới thấy được múa bồng Triều Khúc mang những nét riêng rất khác biệt. Nếu như múa bồng ở làng Cầu Đơ thiên về nét thành kính, ở Nhật Tân mang đượm vẻ duyên dáng, khoan thai của các cô gái kinh kỳ thì ở Triều Khúc là những động tác múa đầy mạnh mẽ, phóng khoáng và mang tính phồn thực”.
Say sưa với những câu chuyện về làng Triều Khúc, về điệu múa bồng chẳng mấy chốc mà đã hết một ngày. Một ngày không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để mỗi người trong chúng tôi thêm hiểu và yêu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Bạn Lê Phương Thảo (sinh viên năm 2, ĐH Sư phạm Hà Nội 2) sau ngày trải nghiệm đã không giấu được sự vui vẻ: “Em cảm thấy rất may mắn khi được là một trong số 10 nhân vật trải nghiệm của chương trình. Tham gia chương trình em đã được trải nghiệm và hiểu thêm rất nhiều về các nét văn hóa đặc trưng của làng Triều Khúc mà đặc biệt là điệu múa bồng. Sau chương trình này nhất định em sẽ tìm hiểu kỹ càng hơn về điệu múa bồng, cũng như giới thiệu với mọi người để họ có thể biết đến nhiều hơn về điệu múa cổ độc đáo này”. Cùng chung suy nghĩ với Thảo, bạn Nguyễn Việt Hưng (sinh viên năm 4, ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã chia sẻ rằng: “Qua chương trình hôm nay mình cảm thấy hiểu và thêm yêu hơn di sản văn hóa của dân tộc. Mình nhất định sẽ tham gia những chương trình trải nghiệm văn hóa truyền thống như này nhiều hơn nữa và rủ cả bạn bè cùng tham gia, bởi mình nghĩ rằng những di sản văn hóa này cần được biết đến nhiều hơn để xứng đáng với những giá trị của nó”.