Chúc mừng năm mới

Mưa lũ làm 10 người chết và mất tích, gần 60.000 ngôi nhà bị ngập

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp nhiều ngày mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

Lũ trên sông Cái Nha Trang vượt mức báo động III. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Những ngày qua, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa một số nơi tới trên 800 mm. Tính đến 8 giờ 30 phút sáng nay (1/12), đã có 10 người chết và mất tích (Bình Định 3 người, Phú Yên 6 người, Kon Tum 1 người).

Mưa lũ khiến gần 60.000 ngôi nhà bị ngập, tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Định và Phú Yên; hơn 4.700 hộ ở Tuy An (Phú Yên) bị chia cắt, có nơi ngập sâu từ 1-2m. Để đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nguy cơ cao sạt lở đất, đã có hơn 6.000 hộ dân được sơ tán tại chỗ.

Ngập và sạt lở gây ách tắc các tuyến đường Quốc lộ 14H, 40B, Đông Trường Sơn (Quảng Nam); Quốc Lộ 24, 24C (Quảng Ngãi); Quốc lộ 1 (tuyến tránh An Nhơn, Bình Định); Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 (Phú Yên) và một số tuyến tỉnh lộ, giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, 641 ha lúa bị thiệt hại (Bình Định 176, Phú Yên 455, Đắk Lăk 10); 416.5 ha hoa màu bị thiệt hại (Quảng Nam 228, Quảng Ngãi 26,5, Bình Định 72, Phú Yên 90); 2.858 gia cầm (Bình Định 1.250, Phú Yên 1.608); 1.540m kè và 17.143m kênh mương hư hỏng (Bình Định), 9.310m bờ sông, bờ suối bị sạt lở (Bình Định 5.410m, Quảng Ngãi 3.900m).

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là tại những khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Khánh Hòa: Từ sáng 30/11 đến 6 giờ ngày 1/12, trên địa bàn tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa đo được trong 24 giờ qua phổ biến từ 30-125mm, kết hợp việc xả lũ của hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh nên trong đêm 30/11 trên sông Dinh Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang đã xuất hiện lũ.

Tại TP Nha Trang, các thôn ở xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh bị cô lập hoàn toàn; các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc có một số thôn bị cô lập... với tổng số hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Tại huyện Diên Khánh, ngập lụt xảy ra ở các điểm dân cư, các vùng trũng dọc sông Cái như các xã Diên Đồng, Diên Thọ, Diên Lâm, Diên Phú…

Ở khu vực huyện miền núi Khánh Sơn, nhiều cầu tràn bị ngập như đập tràn Tà Lương, tràn Cô Róa trên tỉnh lộ 9… Chính quyền các địa phương đã tiến hành sơ tán dân ngay trong đêm 30/11 (thành phố Nha Trang 38 hộ, huyện Khánh Sơn 21 hộ).

Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài như trên Tỉnh lộ 9 bị sạt lở nhiều nơi, tổng số đất đá trên 400 m3; đường Tô Hạp-Bình Sơn sạt lở 347m3, đường Sông Cầu-Yang Bay sạt lở và tràn ra mặt đường trên 220m3 đất đá…

Ngoài ra, theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, đã có khoảng 6.000ha lúa bị ngập nước, chủ yếu tại huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa nhưng chưa xác định được thiệt hại.
Mưa to khiến tuyến đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa, ngập sâu gây khó khăn cho người dân khu lưu thông. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Phú Yên: Đến 7 giờ ngày 1/12, ghi nhận ban đầu Phú Yên có 4 người tử vong do mưa lũ; trong đó 2 người ở huyện Phú Hòa và 2 người thuộc huyện Sơn Hòa. Toàn tỉnh có hơn 28.630 hộ bị ngập lụt; trong đó Tuy Hòa 20.860 hộ, Phú Hòa 6.377 hộ, Tuy An 935 hộ, Đồng Xuân 467 hộ và hơn 9.206 hộ tại huyện Tuy An, Đông Hòa, Phú Hòa đang bị chia cắt do nước lũ. Đến sáng 1/12, các tuyến đường liên tỉnh, huyện, xã ngập sâu và bị chia cắt; tại một số vị trí ngầm, tràn mức ngập phổ biến từ 0,4-1,5 m, gây ách tắc giao thông; sạt lở bồi lấp, sụt lún nền đường, mặt đường... ở các tuyến ĐT.641, ĐT.642, ĐT.645, ĐT.647, ĐT.650, thị trấn Chí Thạnh-La Hai, Triều Sơn-La Hai. Toàn tỉnh có 455 ha lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ; 1.621 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay trên thượng nguồn có mưa rất lớn, vì vậy, các hồ chứa đang xả lũ. Tỉnh Phú Yên căn cứ vào lượng mưa, triều cường để có giải pháp điều tiết hợp lý. Ngoài việc di dời, đưa người dân về nơi an toàn, các địa phương cũng thực hiện nghiêm công tác canh gác, cảnh báo để tránh xảy ra thiệt hại về người do chủ quan khi qua vùng nước ngập.

Để ứng phó với mưa lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã điều động 450 cán bộ, chiến sỹ, 10 ca nô cùng các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn và sơ tán dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố ngay trong đêm 30/11. Các lực lượng Công an, cán bộ mặt trận, đoàn thể và chính quyền các địa phương Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa triển khai sơ tán khoảng 5.517 hộ với 18.535 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Bình Định: Ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết đợt mưa lũ lần này bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1993. Triều cường đạt đỉnh lúc 5 giờ ngày 1/12 nên nhiều khu dân cư còn ngập sâu, giao thông chia cắt.

Tối 30/11, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cùng một số nhà máy thủy điện trên sông Ba phải giảm lưu lượng xả lũ để giảm áp lực lũ đối với hạ du. Sau khi xả lũ với lưu lượng 9.400 m3/giây, nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã giảm dần lưu lượng.

Đắk Lắk: Mưa lũ làm nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn ba huyện Ea Kar, Krông Bông, M'Đrắk bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, không cho người và các phương tiện lưu thông qua lại. Hiện nay, mực nước sông Krông Pắc đang lên, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp.

Quảng Ngãi: Mưa lớn kéo dài trên diện rộng, lũ các sông trên địa bàn tỉnh, nhất là sông Vệ và sông Trà Câu vượt mức báo động 3 đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn, nhất là tuyến đường xã tại các huyện miền núi tiếp tục bị hư hỏng, sạt lở, có 5 tuyến kênh mương bị sạt lở với khối lượng đất, đá hơn 750 m3.