Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa quyết toán thuế 2023: “Nóng” chuyện xuất hóa đơn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Không rõ thời điểm xuất hóa đơn, đối tượng xuất hóa đơn, kê khai thuế... đang là những vướng mắc lớn trong mùa cao điểm quyết toán thuế 2023.

Sáng 5/3, Cục Thuế TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến với chủ đề “Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2023”.

Hàng loạt vướng mắc phát sinh

Thời điểm này đang bước vào cao điểm quyết toán thuế năm 2023. Để hỗ trợ người nộp thuế, năm nay, Cục Thuế TP Hà Nội trọng tâm triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2023” từ ngày 18/3 - 2/5/2024 đồng loạt tại Văn phòng Cục và 25 Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, khu vực với 3 chức năng hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ về công nghệ thông tin, hỗ trợ về kê khai thuế.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã gửi hàng loạt vướng mắc nảy sinh trong thực tế hoạt động quyết toán thuế. Các câu hỏi tập trung vào hóa đơn, kê khai thuế, như: doanh nghiệp mua hàng của công ty nước ngoài theo điều kiện giao hàng Incoterms có thuộc đối tượng nộp thuế nhà thầu không? Các hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào bị bỏ sót thì sẽ kê khai vào kỳ tính thuế nào? Cách thức kê khai thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư xây dựng? Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động đầu tư xây dựng khi nào được làm thủ tục hoàn thuế?...

Trong đó, vấn đề xuất hóa đơn được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất. Đại diện Công ty sự kiện và du lịch Toàn Cầu đặt câu hỏi: “Công ty có cung dịch dịch vụ tổ chức sự kiện cho cán bộ nhân viên trong khu công nghiệp thì xuất hóa đơn giá trị gia tăng là 0% hay 8%?”.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH 3Points Aviation Việt Nam thắc mắc: “Công ty là doanh nghiệp chế xuất, có phát sinh mua hàng hóa, dịch vụ từ các doanh nghiệp nội địa. Có những mặt hàng theo quy định phải mở tờ khai hải quan để được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên do lượng mua ít, nhà cung cấp không đồng ý khai hải quan mà sẽ xuất hóa đơn chịu giá trị gia tăng 10% hoặc 8%. Vậy với phần chi phí tương ứng với 10% hoặc 8% giá trị gia tăng này công ty có được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hay không?”.

Cũng liên quan tới vấn đề xuất hóa đơn, chị Hà Thanh Nga, đại diện Công ty CP Savvycom thắc mắc về thời điểm xuất hóa đơn. Cụ thể thời điểm xuất hóa đơn trong nước hoặc xuất khẩu đối với hoạt động sản xuất phần mềm là thời điểm thu tiền hay nghiệm thu bàn giao. Và, thời điểm thu tiền cọc, thu tiền tạm ứng, thu tiền trả trước có cần xuất hóa đơn giá trị gia tăng không?

Luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho biết,  để hỗ trợ người nộp thuế, ngay từ đầu năm, Cục Thuế TP Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án triển khai sớm và hiệu quả các chính sách mới của Trung ương và Thành phố, đặc biệt là các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hỗ trợ  người nộp thuế để toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn được tiếp cận và thụ hưởng kịp thời, đúng quy định.

 

Cục Thuế TP Hà Nội đã và đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế từ đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu người nộp thuế để phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Vũ Mạnh Cường cho hay.

Người đứng đầu Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng, với đặc thù là cục thuế lớn, số lượng người nộp thuế rất đông, do vậy, ngay từ đầu năm 2024, Cục Thuế TP Hà Nội đã lên kế hoạch chú trọng công tác tuyên truyền hỗ trợ theo hướng đa dạng về hình thức tuyên truyền và phong phú về nội dung hỗ trợ. Cụ thể là tổng hợp các vướng mắc thường gặp về chính sách thuế, phân loại theo các vấn đề như hóa đơn, ưu đãi thuế, kê khai và nộp thuế...và đăng tải lên website, chia sẻ lên các nền tảng số để người nộp thuế có thể tiếp cận và khai thác thông tin. Đồng thời, cũng xây dựng các chương trình để hỗ trợ theo từng nhóm đối tượng người nộp thuế như: nhóm doanh nghiệp mới thành lập, các đơn vị sự nghiệp công lập trong một số lĩnh vực như Giáo dục, Y tế, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, thương mại điện tử… để có kế hoạch tiếp cận, hỗ trợ kịp thời các vướng mắc, cũng như thường xuyên cảnh báo các dấu hiệu rủi ro của các doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn.

Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược cải cách hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai tích cực và có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, góp phần giúp doanh nghiệp, người nộp thuế giảm bớt chi phí tuân thủ và thời gian trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực trong giai đoạn vừa qua của ngành thuế nói chung và của Hà Nội nói riêng trong việc hiện đại hóa và áp dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác quản lý thuế và cải cách thủ tục hành chính thuế. Qua đó, nhằm đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, tạo thuận lợi và giảm chi phí và công sức của người nộp thuế. Phần lớn các vướng mắc, bất cập được phản ánh trong công tác này đều được cơ quan quản lý thuế ghi nhận và tập trung giải quyết triệt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Đồng quan điểm trên Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc  cho rằng, hội nghị đối thoại trực tuyến thực sự là kênh hỗ trợ quan trọng và có hiệu quả cao được đông đảo doanh nghiệp và cộng đồng người nộp thuế quan tâm theo dõi. Thay vì tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp tại các hội trường, với hình thức đối thoại trực tuyến được tổ chức thường niên và luôn có nhiều đổi mới, người nộp thuế có thể truy cập thông tin, theo dõi các vướng mắc được cơ quan thuế trả lời ngay trên chính thiết bị điện tử cá nhân.