Nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia... đều tổ chức lễ Vu Lan với các hoạt động tiêu biểu như viếng thăm, dọn dẹp mộ phần của người đã khuất, dâng lễ vật lên phật, gia tiên và thần linh, về tụ họp với gia đình.
Mặc dù các nghi lễ, thời gian không giống nhau giữa các nước, nhưng tất cả đều đề cao tinh thần báo hiếu bằng cả tấm lòng hiếu kính và tri ân đối với người đã khuất, cũng như đền ơn và quan tâm đối với cha mẹ đang sống bên cạnh.
Tại Việt Nam, lễ hội Vu Lan được tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Lễ hội không chỉ nhắc nhở con cháu đối với việc báo hiếu ông bà, cha mẹ mà còn hướng về cội nguồn để tỏ lòng thành biết ơn và báo ơn.
Theo đó, Phật tử thường đến chùa cầu kinh, cầu nguyện với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ và ấm cúng, còn với những người đang sống một sức khỏe tốt để ở mãi bên con cháu.
Cũng trong ngày này, nhiều ngôi chùa, nhiều Phật tử, cá nhân, tổ chức còn tổ chức phát quà cho người nghèo, tật nguyền, bất hạnh, không nơi nương tựa, để mọi người cảm thấy được ấm lòng, hạnh phúc trong mùa Vu Lan báo hiếu. Tại Hà Nội gồm: chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm), chùa Hà, chùa Tăng Phúc (Cầu Giấy).
Tại TP Hồ Chí Minh có chùa Minh Đạo (quận 3), chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận)… Hoặc các tỉnh thành như Hà Nam, Bắc Ninh cũng có nhiều ngôi chùa tổ chức cho các Phật tử làm việc thiện trong mùa Vu Lan. Ngoài ra, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất cho ngày lễ Vu Lan để dâng lên gia tiên, thần linh, cửa Phật và cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Ăn chay cũng là một cách cầu nguyện và tích đức. Với những người còn cha mẹ có thể dành tặng những lời chúc và nhiều món quà ý nghĩa.
Trong ngày lễ Vu Lan, những người con xa quê đều cố gắng thu xếp thời gian để về tụ họp với gia đình. Đặc biệt, lễ hội Vu Lan tại Việt Nam còn tiến hành nghi lễ cài hoa hồng với màu đỏ cho những người còn cha mẹ và hoa hồng màu trắng cho những người đã mất mẹ. Chính nghi lễ này đã thức tỉnh bao người con về đạo hiếu với cha mẹ và giúp thế hệ trẻ luôn sống đúng đạo nghĩa.
Hiện nay, một số nghĩa trang cao cấp tổ chức lễ hội Vu Lan với chương trình cầu siêu cho những người đã khuất để nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn và biết ơn tới đấng sinh thành. Ngày Vu Lan tại các nghĩa trang không chỉ thu hút nhiều người từ khắp nơi, mà còn có sự hiện diện của đông đảo các Phật tử, với mong muốn cầu chúc cho những người đã khuất được yên nghỉ nơi chín suối, đồng thời cầu chúc cho cha mẹ luôn sống khỏe mạnh để con cháu có dịp đền đáp báo hiếu. Thông qua lễ Vu Lan, nhiều người còn có cơ hội thể hiện lòng nhân từ với chúng sinh thông qua các nghi thức diễn ra tại hồ phóng sinh.
Ngày 18/7/2019, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký Thông tư số 223/TT-HĐTS về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu trang nghiêm, ý nghĩa, phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng cho Phật tử và Nhân dân. Lễ Vu lan tổ chức tại các cơ sở thờ tự của Giáo hội, nơi công cộng nếu được chính quyền chấp thuận hoặc tư gia.
Tuy nhiên Giáo hội lưu ý không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt chung của cộng đồng, đề nghị không cúng, không đốt vàng mã, thay vào đó hành thiện, cứu giúp người nghèo. Một trong những lưu ý đặc biệt là Giáo hội yêu cầu các cơ sở thờ tự, không tổ chức cúng lễ thu tiền mang hình thức dịch vụ tâm linh, các nghi lễ không phù hợp chính pháp hoặc không phù hợp với nghi lễ truyền thống.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận, một trong những tồn tại cần khắc phục sớm tại các cơ sở thờ tự là đốt vàng mã. “Việc sử dụng vàng mã giảm đáng kể, cho thấy hiệu quả của giáo dục và hướng dẫn người dân, Phật tử thực hành khuyến cáo ấy.
Lễ Vu lan thể hiện lòng hiếu thảo bằng tình cảm, hành động chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy mới là báo hiếu. Bên cạnh việc bày tỏ tình cảm với tổ tiên ông bà cần đặc biệt chăm sóc những người còn sống như cha mẹ, quan tâm chăm lo các gia đình thương binh liệt sĩ, tri ân bằng hành động cụ thể” – Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.