Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ-Ấn hợp tác sản xuất chip bán dẫn

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ cân nhắc hợp tác với Ấn Độ sản xuất chip trước áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu trong Hội nghị Đối thoại Kinh tế Cấp cao tại Mexico ngày 12/9/2022. Nguồn: Reuters
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu trong Hội nghị Đối thoại Kinh tế Cấp cao tại Mexico ngày 12/9/2022. Nguồn: Reuters

Hôm 9/2, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết Mỹ đang xem xét hợp tác với Ấn Độ trong một số lĩnh vực nhất định để tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó ưu tiên sản xuất chip bán dẫn.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết bà sẽ thăm Ấn Độ vào tháng 3 để thảo luận việc hợp tác sản xuất trong lĩnh vực này.

Bà cho biết: “Chúng tôi đã ngừng mọi thứ liên quan đến chip bán dẫn. Do vậy, nhân sự trong ngành công nghiệp này có khoảng 350.000 vào năm 1990, nhưng hiện giờ quy mô chỉ giống như 160.000”.

Gần đây, Mỹ đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Đạo luật CHIPS và Khoa học của Tổng thống Biden ban hành vào tháng 8/2022 đã cấp khoảng 52 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip. Theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, dù ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã tuyển dụng hơn 277.000 công nhân vào năm 2021, nhưng nó dường như không có đóng góp gì vào nguồn cung thế giới.

Trong khi đó, Đài Loan và Hàn Quốc chiếm 80% thị trường chip toàn cầu và TSMC - nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới - cũng có trụ sở tại Đài Loan.

Tuy nhiên, những nỗ lực hợp tác của "bộ tứ" Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc) có thể giảm sự phụ thuộc vào chip bán dẫn của Đài Loan. Vào tháng 9/2021, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã công bố kế hoạch thành lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn để đảm bảo quyền tiếp cận nguồn chip.

Bà Raimondo cho rằng Ấn Độ có rất nhiều điều kiện thuận lợi như nhân công dồi dào và lành nghề, nhiều người biết tiếng Anh và cũng là một quốc gia dân chủ.

Nhưng nước này cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn lao động trong bất kỳ thỏa thuận nào, đặc biệt khi Ấn Độ vẫn đang dùng  dầu mỏ Nga. Các nước G7, Úc và Liên minh châu Âu đã áp mức giá trần đối với dầu từ Nga để hạn chế Moscow sử dụng nguồn tài nguyên này vào các cuộc xung đột với Ukraine mà vẫn đảm bảo nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.

Bà cho biết: “Việc chính phủ Ấn Độ đảm bảo các tiêu chuẩn lao động, môi trường, chống tham nhũng và pháp quyền sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp có vốn của Mỹ ở Ấn Độ phát triển hơn”.

Bà Raimondo cũng  ủng hộ việc tái đầu tư số tiền từ thuế tiêu thụ đặc biệt 1% của ông Biden từ việc mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn vào nền kinh tế. “Tôi rất đồng tình với Tổng thống rằng chúng ta nên tăng thuế đối với những người giàu có nhất, yêu cầu các tập đoàn khắc phục một số kẽ hở và lấy số tiền đó để đầu tư. Ta cần phải làm mọi cách nhằm tăng thu thuế và phát triển kinh tế”.