Đó là kết quả một khảo sát được công bố gần đây của tổ chức Harris Poll với hơn 2.100 người trưởng thành ở Mỹ.
“Những phát hiện này cho thấy một xã hội ngưỡng mộ sự giàu có cũng đòi hỏi trách nhiệm và sự công bằng cao hơn,” Libby Rodney, Giám đốc chiến lược của Harris Poll, cho biết.
“Đó là lời kêu gọi cho một nền kinh tế cân bằng và công bằng hơn, nơi thành công mang lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không chỉ một số ít người được chọn”.
Bà Rodney cũng giải thích rằng, nước Mỹ dù vấn “ám ảnh với câu chuyện về những người đổi đời thành triệu phú chỉ sau một đêm hay các dự án mạo hiểm hứa hẹn mang lại lợi nhuận đáng kể”, thì những điểm sáng này vẫn bị lu mờ khi sự chênh lệch kinh tế ngày càng mở rộng.
Hai mặt của đồng xu
Theo tạp chí Fortune, người Mỹ ngày càng cảnh giác với giá trị tài sản ròng ngày càng tăng của các tỷ phú và những tác động của chúng. Hơn nửa số người Mỹ (59%) được khảo sát tin rằng các tỷ phú khiến xã hội bất công hơn. Có tới 71% xem chênh lệch giàu nghèo là một vấn đề nghiêm trọng mang tầm quốc gia, đặc biệt đối với những người gốc da màu và gốc Mỹ-Latin. Con số này tăng 7% so với mức 64% từ một khảo sát tương tự được Harris Poll thực hiện năm 2022.
Báo cáo về tình trạng bất bình đẳng (Inequality Inc) của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam cho thấy giá trị tài sản ròng của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng tới 114% kể từ năm 2020. Tính riêng tại Mỹ, tổng tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 1,6 nghìn tỷ USD kể từ thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 cho đến nay.
Dữ liệu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng chỉ ra rằng không phải ai cũng được trả lương một cách bình đẳng. Theo người phát ngôn của Oxfam, trong khi phần tài sản do 1% người giàu nhất thế giới nắm giữ đã tăng 1/3 kể từ năm 1990, thì phần tài sản của 50% người nghèo nhất lại giảm tới 1/4.
“Có thể hiểu rằng mọi người đã phát chán việc mưu sinh mà vẫn không thể trang trải các nhu cầu cơ bản của mình, trong khi các tỷ phú lại phô trương lối sống xa hoa ngoài sức tưởng tượng,” Rebecca Riddell, Trưởng phòng chính sách về công bằng kinh tế và chủng tộc tại Oxfam America, cho biết với Fortune, “Giàu có tột đỉnh và nghèo đói cùng cực giống như hai mặt của một đồng xu, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi chúng ta nhận thấy sự ý thức ngày càng tăng về động thái đáng lo ngại này”.
Ngoài ra, khoảng 58% đối tượng được Harris Poll khảo sát đổ lỗi cho tầng lớp tỷ phú vì đẩy nhanh tiến trình lạm phát, trong khi 62% đồng ý rằng “Mỹ đã trở thành sân sau” của tầng lớp này. 46% người Mỹ không tin vào việc hạn chế sự giàu có, thậm chí 69% người Mỹ còn đề xuất đánh thuế người giàu, trong đó giới trẻ đang dẫn đầu xu hướng với 80% người khảo sát thuộc thế hệ Z ủng hộ việc đánh thuế người giàu.
Đồng tiền đi liền ... trách nhiệm
Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn có quan điểm tích cực đối với các tỷ phú. Cũng theo khảo sát của Harris Poll, một số lượng lớn đối tượng cho rằng các đóng góp của các tỷ phú là có ích cho nền kinh tế (61%) và xã hội (62%).
Và dù không tin tưởng vào những người giàu nhất, hầu hết người Mỹ vẫn mơ ước một ngày nào đó được gia nhập tầng lớp này. Trong khi chỉ 39% người được khảo sát tỏ ra xem thường các tỷ phú, thì 61% lại ngưỡng mộ họ. 6 trên 10 người Mỹ cho biết họ muốn trở thành tỷ phú một ngày không xa, trong đó phần lớn là những người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ, người gốc Mỹ-Latin và gốc da màu. Con số này không thay đổi kể từ năm 2022, điều mà giám đốc Libby Rodney cho rằng vẫn nêu bật giá trị cốt lõi của “Giấc mơ Mỹ”: theo đuổi thành công và thịnh vượng.
Một quan điểm khác đang ngày càng gia tăng là mong muốn các tỷ phú có thể ngưng làm truyền thông và tham gia hoạt động từ thiện nhiều hơn. 71% đối tượng khảo sát của Harris Poll cho rằng giới siêu giàu chưa “đóng góp đủ nhiều để cải thiện xã hội”. Khoảng 2/3 người được khảo sát cảm thấy các tỷ phú chưa bị đánh thuế một cách xứng đáng, và tin rằng số tiền thu được từ họ có thể phục vụ các chương trình như chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, nhà ở và an ninh lương thực.
“Ngày càng nhiều người Mỹ kêu gọi các tỷ phú quyên góp tiền của họ cho lợi ích chung so với năm 2022. Điều này cho thấy kỳ vọng ngày càng lớn đối với những người giàu có trong việc đảm nhận nhiều trách nhiệm xã hội hơn,” Giám đốc Libby Rodney nhận định.
“Có một kỳ vọng cố hữu, có vẻ giống với một thỉnh cầu đạo đức, đối với những người được hưởng lợi đặc biệt từ bối cảnh kinh tế Mỹ, rằng họ sẽ hỗ trợ nhiều hơn tới những cộng đồng từng mang lại thành công cho họ”. Bà nói thêm: “Đây không chỉ đơn thuần là mệnh lệnh tài chính mà còn là lời kêu gọi thúc đẩy một nền kinh tế toàn diện hơn, nơi sự thành công của số ít không làm lu mờ tiềm năng của số đông”.
Theo Fortune, người Mỹ có nhiều bức xúc chưa được giải tỏa khi nói đến một số ít người giàu có, được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi. Rốt cuộc, điều này đối với họ không khác gì nuốt một viên thuốc cứng. “Nền kinh tế khiến mọi phía được hưởng lợi là điều Giấc mơ Mỹ hứa hẹn đem lại cho mọi người,” bà Rebecca Riddell nói. “Nhưng thay vào đó, các tỷ phú lại được hưởng lợi từ các chính sách vốn được lập ra với chủ đích tưởng thưởng giới siêu giàu. Sự bất bình đẳng này khiến các gia đình bình dân phải trả giá”.