"Đây sẽ là những biện pháp trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử vào thời điểm hiện nay”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Ông Pompeo cũng cảnh báo rằng Mỹ sẽ "đè bẹp" các sự hợp tác của Iran và các đồng minh ở nước ngoài của quốc gia Trung Đông này.
Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, nếu Iran hoàn toàn nối lại chương trình hạt nhân của mình, Mỹ sẽ sẵn sàng đáp trả bằng hành động cứng rắn. "Nhu cầu của chúng tôi đối với Iran không phải là không hợp lý: Từ bỏ chương trình hạt nhân. Nếu họ muốn bắt đầu làm giàu urani, chúng tôi cũng sẵn sàng đáp ứng điều đó", ông Pompeo cho biết thêm.
Cùng với cảnh báo trên, ngày 21/5, Ngoại trưởng Mỹ đưa ra 12 yêu cầu của Washington đối với Tehran như là điều kiện để thảo luận một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Pompeo khẳng định, Mỹ sẽ không đàm phán lại Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được gọi là JCPOA.
Các yêu cầu chính này là Iran ngừng làm giàu urani, không tái chế plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Trung Đông.
Ông Pompeo khẳng định, việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chỉ được thực hiện khi Washington chứng kiến những thay đổi rõ ràng trong chính sách của Tehran. Theo Ngoại trưởng Mỹ, nếu thỏa thuận mới đáp ứng yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump, Washington sẽ đồng ý dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế, nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế toàn diện với Iran.
Ngoại trưởng Pompeo cũng kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân Iran mới.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cho thấy cách tiếp cận cứng rắn đối với Iran trong bối cảnh các nước Liên minh châu Âu (EU) và Iran đang tìm cách cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ đã rút khỏi văn kiện này.