Từ lâu, Quốc hội Mỹ đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức. Nhưng một số nhà lập pháp Dân chủ đang tỏ ra e ngại trong việc tiếp tục trừng phạt, vào thời điểm mà chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho cần phải thể hiện một mặt trận thống nhất với các đồng minh châu Âu khi Washington tham gia vào các cuộc đàm phán với Moscow.
Thượng nghị sĩ Chris Murphy, một đảng viên đảng Dân chủ Connecticut, nói với Bloomberg: "Nếu dự luật này được thông qua, nó có thể thúc đẩy một cuộc xâm lược Ukraine hơn vì nó kéo Mỹ khỏi Đức vào thời điểm mà chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết trước Nga".
Các kế hoạch cho cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện là kết quả của một thỏa thuận được ký kết giữa Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer và người thúc đẩy dự luật của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, nhằm "dọn đường" cho hàng chục ứng cử viên chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden, bao gồm các vị trí hàng đầu tại các sở tiểu bang và tại các đại sứ quán trên khắp thế giới.
Đạo luật sẽ yêu cầu 60 phiếu bầu tại Thượng viện chia đều để có thể được thông qua. Năm ngoái, ông Cruz đã gọi hiệp định của Mỹ và Đức về Nord Stream 2 là "sự đầu hàng hoàn toàn của Tổng thống Biden" trước nhà đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Chính quyền Biden đã từ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với công ty mẹ của dự án là Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành của nó, Matthias Warnig, vào năm ngoái, với lý do an ninh quốc gia. Mỹ và Đức sau đó đã công bố một thỏa thuận, trong đó có cam kết từ các quan chức Đức sẽ có hành động chống lại đường ống nếu Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại Ukraine.
"Tôi không thích Nord Stream 2 nhưng ý tưởng "chọc vào mắt" một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng ta vào thời điểm này đối với tôi có vẻ giống như mớ hỗn độn hơn", một nghị sĩ Dân chủ khác tại Thượng viện, Mark Warner ở Virginia, nói.
Victoria Nuland - ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị, và Amos Hochstein - cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề an ninh năng lượng, đã thông báo tóm tắt cho một nhóm các nghị sĩ Dân chủ Thượng viện còn do dự tại Điện Capitol hôm 10/1.
Cùng ngày, các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đã kết thúc vòng thảo luận an ninh đầu tiên tại Geneva. Mỹ cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với các hình phạt lớn nếu diễn ra bất kỳ cuộc tấn công nào vào Ukraine, giữa bối cảnh Moscow điều động hàng nghìn binh lính tại biên giới với quốc gia láng giềng.
Các biện pháp trừng phạt đã được thảo luận bao gồm kiểm soát xuất khẩu, hạn chế Nga tiếp cận công nghệ và thậm chí cắt nước này khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu.
Về phần mình, Nga phủ nhận bất kỳ kế hoạch nào như vậy và cho biết họ đang đáp trả những gì nước này cho là hành vi gây hấn từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine - quốc gia vốn nghiêng về phương Tây và mong muốn gia nhập liên minh.
"Đối với chúng tôi, việc đảm bảo rằng Ukraine không bao giờ, không bao giờ, trở thành một thành viên của NATO là điều hoàn toàn bắt buộc... Đó là một vấn đề an ninh quốc gia của Nga", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman.