Ngày 22/7, sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhận định thỏa thuận này sẽ giúp ích cho các quốc gia đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ cũng như những người đang bên bờ vực của nạn đói.
“Hiện đã có một "ngọn hải đăng trên Biển Đen" sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận "chưa từng có tiền lệ". Thỏa thuận này cũng mở ra hy vọng cứu trợ các nước đang phát triển bên bờ vực phá sản và những người dễ bị tổn thương nhất bên bờ vực nạn đói” - AFP trích phát biểu của ông Guterres.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên cuối cùng sẽ mở ra triển vọng hòa bình tại Ukraine.
Trước đó cùng ngày, dưới vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo Tổng thư ký Guterres, thỏa thuận này cho phép nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua 3 cảng quan trọng của Ukraine, gồm Odesa, Chernomorsk và Yuzhny, và LHQ sẽ thành lập một trung tâm điều phối để giám sát việc thực hiện thỏa thuận.
Liên hợp quốc hy vọng thỏa thuận sẽ được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới và khôi phục lượng ngũ cốc xuất khẩu về mức trước khi xảy ra xung đột là 5 triệu tấn/tháng.
Các quan chức LHQ cho biết thỏa thuận sẽ thành lập nhóm gồm các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ giám sát hoạt động chất hàng lên tàu tại cảng của Ukraine, trước khi chúng đi qua tuyến đường được vạch sẵn trên Biển Đen. Trung tâm điều phối chung sẽ kiểm tra các tàu hàng tới Ukraine nhận ngũ cốc nhằm đảm bảo chúng không chở theo vũ khí hoặc những vật dụng có thể được dùng để tấn công Ukraine.
Trong một phản ứng, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một bước đi đúng hướng đồng thời kêu gọi các bên lập tức thực thi thỏa thuận.
Mỹ kêu gọi Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách nhanh chóng và bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được các bên tuân thủ.
“Chúng tôi hoan nghênh việc Nga và Ukrain ký thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng tại Biển Đen. Hiệp định này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới”- người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên hôm 22/7.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigun tuyên bố Moscow sẽ không lợi dụng thực tế là các cảng đã được thông quan và mở cửa và sẽ thực hiện cam kết trong thỏa thuận này.
Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất trên thế giới rơi vào cảnh đói ăn.
Hiện hơn 20 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc Ukraine mắc kẹt tại các tháp chứa do Biển Đen bị phong tỏa. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau rải thủy lôi trên biển khiến tàu hàng không thể tiếp cận các cảng trong khu vực.
Nga bác bỏ cáo buộc làm trầm trọng cuộc khủng hoảng thực phẩm, cho rằng nguyên nhân chính là từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên xuất khẩu hàng hóa và phân bón của nước này.