Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đột ngột tới thăm Iraq hôm 7/5 trong bối cảnh giới chức nước này cảnh báo rằng Iran đang sắp xếp tên lửa đạn đạo nhằm đối phó với quân đội Mỹ trong khu vực.
Iraq "khó xử"
Chuyến thăm bất ngờ của ông Pompeo tới Baghdad diễn ra vào ngày kỷ niệm 1 năm Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran. Washington và Tehran đã đấu khẩu gay gắt trước mốc thời gian này.
Lầu Năm Góc đã ra lệnh triển khai một tàu sân bay và máy bay ném bom Không quân ở Vịnh Ba Tư trong khi cảnh báo xuất hiện về mối đe dọa từ các tàu Iran nghi ngờ mang theo tên lửa.
Ngoại trưởng Mỹ đột ngột hủy chuyến thăm châu Âu để tới Iraq. |
Sau khi bay tới Baghdad vào đêm 7/5, ông Pompeo cho biết đã nói với Tổng thống Iraq Barham Salih và Thủ tướng Adel Abdul Mahdi rằng họ có trách nhiệm bảo vệ người Mỹ ở đất nước họ và khẳng định thông tình báo cho thấy Iran đang gia tăng đe dọa.
Khoảng 5.000 lính Mỹ được điều tới Iraq, nơi Mỹ duy trì sự hiện diện ngoại giao đáng kể. Ông Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đều cảnh báo rằng Iran có thể đang lên kế hoạch tấn công quân đội Mỹ, ảnh hưởng tới lợi ích của Washington.
Giới chức quốc phòng Mỹ dẫn nguồn tin tình báo cho thấy hình ảnh các container trên boong thuyền Iran, được cho là chứa tên lửa đạn đạo do Tehran tự lắp ráp.
Dù không chắc về mục đích của các tên lửa này, giới chức Mỹ coi đó là động thái đáng lo ngại từ Iran khi trước đó nước này tuồn các bộ phận tên lửa đã tháo rời vào Yemen. Mỹ từ lâu cáo buộc Iran đã chuyển các tên lửa tháo rời bằng đường biển và đường bộ vào Yemen, và lắp ráp tại đây để cho phiến quân Houthi sử dụng.
Trong khi bay tới Iraq, ông Pompeo cho biết chuyến đi lần này được thúc đẩy bởi sự leo thang căng thẳng từ Iran. Iraq và Iran là láng giềng và duy trì quan hệ thân mật.
Ông Pompeo cho biết ông sẽ đảm bảo với giới chức ở Baghdad rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq và kêu gọi họ theo đuổi các thỏa thuận năng lượng với Jordan và Ai Cập để giảm sự phụ thuộc của nước này vào lưới điện của Iran.
Con giun xéo lắm cũng quằn?
Về phần mình, Iran tuyên bố sẽ tự vệ khỏi cái gọi là “khủng bố kinh tế”, theo đó đe dọa rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nêu danh sách 12 yêu cầu cơ bản đối với Iran nếu muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và không áp dụng lệnh cấm vận cứng rắn. Tuy nhiên giới quan sát nhận định các yêu cầu này rất khó thỏa hiệp.
Các quan chức Iran cho biết họ đang xem xét lại sự hợp tác đầy đủ với thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với 6 cường quốc thế giới để đáp trả chiến dịch gây áp lực của chính quyền Trump, mặc dù mọi hành động sẽ không rút được hoàn toàn.
“Thông điệp chính là Mỹ muốn đảm bảo Iraq cũng như các đồng minh trong khu vực –hiểu rằng mối đe dọa chính ở Trung Đông là Iran và vẫn duy trì quan hệ mạnh mẽ với Washington”, ông Pompeo nói.
Iraq đặt ra một vấn đề nan giải cho Bộ Ngoại giao Mỹ vì nước này có sự hiện diện của lượng lớn quân đội Mỹ trong khi vẫn làm ăn với Iran và gặp gỡ các quan chức Iran trong các chuyến thăm ngoại giao. Iraq là một trong số ít các quốc gia vẫn miễn trừ các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao, cho phép nước này tiếp tục mua điện từ Iran.
Iraq có một số nhóm quân Shiite được hỗ trợ và đào tạo bởi Iran, theo đó chỉ trích việc Mỹ liệt nhóm Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, một nhánh thuộc quân đội Iran vào lực lượng khủng bố.
Các quốc gia vùng Vịnh sở hữu đường biển tối trọng “huyết mạch” duy trì chở dầu, đặc biệt là eo biển Hormuz. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ làm cạn kiệt dầu Iran bơm tới các thị trường, Tehran từng đe dọa đóng cửa eo biển này. Khi Bahrain phản đối, một giới chức Iran phản ứng: “Hãy nhớ rằng các bạn còn quá nhỏ và không đe dọa tới ai đó lớn hơn”.
Nhà Trắng hôm 5/5 cho biết tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln cùng đội tàu hộ tống, đang trên đường đến Trung Đông. Động thái quân sự được cho là “nắn gân” Iran.