Mỹ hoan nghênh OPEC+ vẫn bơm thêm dầu mỏ bất chấp sức ép từ Omicron

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng hôm 4/1 hoan nghênh việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 tới.

Ngày 4/1, OPEC+ thống nhất nâng mục tiêu sản xuất tháng 2 thêm 400.000 thùng mỗi ngày, đúng kế hoạch đề ra từ năm ngoái. Ảnh: Reuters
Ngày 4/1, OPEC+ thống nhất nâng mục tiêu sản xuất tháng 2 thêm 400.000 thùng mỗi ngày, đúng kế hoạch đề ra từ năm ngoái. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết quyết định tiếp tục tăng nhẹ sản lượng của OPEC+ sẽ hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu. “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ về chính sách sản lượng của Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các thành viên khác thuộc OPEC+ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Chúng tôi hoan nghênh quyết định tiếp tục duy trì kế hoạch bổ sung nguồn cung dầu của OPEC+ từ tháng 2 tới” - quan chức Nhà Trắng cho hay.

Trước đó cùng ngày, liên minh OPEC+ thống nhất nâng mục tiêu sản xuất tháng 2 thêm 400.000 thùng mỗi ngày, đúng kế hoạch đề ra từ năm ngoái. OPEC+ đánh giá thấp tác động của Omicron lên nhu cầu. Tổ chức này cho rằng ảnh hưởng sẽ chỉ là "nhẹ và ngắn hạn", đồng thời lạc quan về triển vọng kinh tế của cả các nước mới nổi và phát triển.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC) còn cho biết thị trường dầu toàn cầu hiện đang ở trạng thái cân đối, nhưng sẽ rơi vào tình trạng dư cung từ quý I/2022.

Giá dầu Brent đã leo dốc 50% trong năm ngoái và vẫn duy trì đà tăng trong các phiên đầu năm nay. Chốt phiên giao dịch ngày 4/1, giá dầu Brent tiếp tục tăng 2% lên hơn 80 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao dịch ở mức 76 USD/thùng.

Các chuyên gia của OPEC hôm 3/1 nói rằng biến thể Omicron chỉ tác động nhẹ đến nhu cầu và đà tăng của giá dầu được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, song có dấu hiệu cho thấy biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với lo sợ ban đầu của thị trường.

OPEC+ đã nâng sản lượng mục tiêu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng nhanh sản lượng của Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu, do lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.

Trong cuộc họp chính sách vào tháng 12/2021, OPEC+ đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh giá dầu biến động mạnh, Mỹ mở kho dự trữ dầu và thị trường gia tăng lo ngại về biến thể Omicron.

Dù OPEC+ tăng mục tiêu sản lượng mỗi tháng, sản xuất thực vẫn thấp do một số nước thành viên gặp vấn đề về logistics. Hồi tháng 10/2021, họ thiếu 730.000 thùng một ngày so với mục tiêu. Tháng 11 lại thiếu 650.000 thùng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào 2/2.

Cũng liên quan đến chính sách sản lượng, Tổng Thư ký sắp tới của OPEC Haitham Al-Ghais ngày 3/1 tuyên bố ưu tiên chính của ông sẽ là duy trì thỏa thuận giữa tổ chức dầu mỏ này với Nga và các nhà sản xuất dầu liên minh khác.

Trả lời phỏng vấn sau khi được OPEC bổ nhiệm giữ cương vị Tổng Thư ký mới kể từ ngày 1/8/2022, ông‎ Al-Ghais khẳng định rằng một trong những ưu tiên hàng đầu sẽ là hỗ trợ tiếp tục duy trì Tuyên bố Hợp tác giữa OPEC và các đối tác dầu mỏ khác, dẫn đầu là Nga. Theo ông‎ Al-Ghais, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả 23 quốc gia đã tham gia ký kết thỏa thuận nói riêng cũng như toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ nói chung.