Mỹ sắp công bố kế hoạch chống đánh bắt trái phép ở Thái Bình Dương

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ dự kiến sớm công bố các kế hoạch nhằm chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp ở Thái Bình Dương, như một phần trong việc tăng cường can thiệp của nước này trong khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra qua các tàu đánh cá của Philippines tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS
Các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra qua các tàu đánh cá của Philippines tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Theo điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ Kurt Campbell, một số quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang xung đột với đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc, cáo buộc các tàu này thường vi phạm các vùng đặc quyền kinh tế của các nước, gây ra thiệt hại về môi trường cũng như kinh tế.

"Trên thực tế, một trong những thách thức lớn nhất ở Thái Bình Dương là nạn đánh bắt bất hợp pháp," ông Campbell phát biểu tại một diễn đàn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington hôm 9/5, khi được hỏi về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon - một đối tác truyền thống lâu đời của Mỹ trong khu vực.

Phía Trung Quốc tuyên bố rằng nước này là một quốc gia đánh cá có trách nhiệm và đã nỗ lực hợp tác quốc tế để ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp, đồng thời khẳng định chỉ thực hiện đánh bắt trong các vùng đặc quyền kinh tế liên quan theo các thỏa thuận song phương.

"Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ thông qua các tổ chức khác nhau để công bố một loạt các điều khoản chính, được thiết kế để cải thiện cách tiếp cận trong hàng hải" - Ông Campbell nói, lưu ý rằng Mỹ đang xem xét các khả năng sẽ "tiếp tục theo dõi việc vận chuyển" của các tàu đánh cá có động thái tắt các mã nhận dạng điện tử một cách bất hợp pháp.

Phát biểu của ông Campbell được đưa ra ngay trước chuyến công du Tổng thống Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản, vào ngày 20 - 24/5 tới. Lịch trình dự kiến cũng bao gồm cuộc họp tại Tokyo của nhóm Bộ Tứ QUAD bao gồm các thành viên là Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ từng cảnh báo về nạn đánh bắt bất hợp pháp đã vượt quá nạn cướp biển, trở thành "mối đe dọa an ninh hàng hải toàn cầu hàng đầu" và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia tranh giành nguồn khai thác quá mức. Cơ quan này đã kêu gọi Bắc Kinh kiểm soát có trách nhiệm hơn đối với các tàu của Trung Quốc.

Tháng trước, sau khi Bắc Kinh công bố ký kết hiệp ước an ninh mới với Quần đảo Solomon, ông Campbell đã dẫn đầu một phái đoàn Mỹ đến quốc đảo Thái Bình Dương. Nhà Trắng sau đó đã bày tỏ quan ngại về khả năng "thiết lập sự hiện diện quân sự thường xuyên" của Trung Quốc ở quốc gia Nam Thái Bình Dương.

“Điều cần thiết là phải tăng cường phối hợp, tham gia, chia sẻ thông tin" - điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu hôm 9/5 - "Đây không chỉ là Mỹ, Australia, New Zealand. Đó còn là đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, EU".