Mỹ tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt chống dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ hôm 20/8 thông báo áp đặt trừng phạt một tàu Nga và hai công ty liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.

Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi các ủy ban Quốc hội nước này cho biết, Washington đã áp trừng phạt đối với tàu Nga Ostap Sheremeta, công ty JSC Nobility sở hữu tàu và công ty xây dựng Konstanta vì tham gia việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
 Theo Tổng thống Putin, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện chỉ còn khoảng 15km đường ống cần lắp đặt dưới đáy biển. Ảnh: Tass
Tuy nhiên, những người phản đối dự án khẳng định, các biện pháp trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic sang Đức, trị giá 11 tỷ USD.
Daniel Vajdich - Chủ tịch của Yorktown Solutions, công ty tư vấn cho ngành năng lượng Ukraine cho biết: “Các biện pháp trừng phạt này không ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2”. Theo ông Vajdich, điều duy nhất có thể ngăn dự án này đi vào hoạt động là dỡ bỏ các miễn trừ lệnh trừng phạt và áp biện pháp trừng phạt Công ty Nord Stream AG - nhà thầu chính của Dòng chảy Phương Bắc 2.
ClearView Energy Partners, một nhóm nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Washington, dự đoán dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể được hoàn thành vào ngày 3/9 tới.
Trước đó, trong một cuộc họp báo chung hôm 20/8 với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc xây dựng các đường ống dẫn khí của dự án gần hoàn tất. Hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, do tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom và các đối tác phương Tây thực hiện, chỉ còn khoảng 15km đường ống cần lắp đặt dưới đáy biển.
Giống như hai Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ông Biden phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 vì dự án sẽ bỏ qua Ukraina, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thu phí vận chuyển năng lượng cũng như đe dọa khả năng đối đầu của Kiev trước Moscow.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Washington hiện đã áp cấm vận đối với 7 thực thể và nhận diện 16 tàu của họ là các tài sản bị phong tỏa theo các luật trừng phạt đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Tuy nhiên, hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã miền trữ lệnh trừng phạt nhằm vào công ty Nord Stream AG và giám đốc điều hành công ty Matthias Warning.
Chính quyền ông Biden cũng tìm cách hàn gắn quan hệ với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu do Mỹ cần sự trợ giúp của đồng minh về nhiều vấn đề, từ kinh tế đến các quan hệ với Trung Quốc, Iran.
Tháng trước, Mỹ và Đức công bố một thỏa thuận cho phép hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Theo đó, Berlin cam kết sẽ buộc Nga phải trả giá nếu sử dụng năng lượng như vũ khí chống Ukraina và các nước Trung Âu khác. Song, thỏa thuận không nêu rõ các hành động cụ thể nào của Moscow sẽ phải hứng chịu hậu quả như vậy.
Theo thỏa thuận hồi tháng 7, Đức sẽ sử dụng "tất cả các đòn bẩy sẵn có" để gia hạn thêm 10 năm đối với thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga - Ukraine, sẽ hết hạn vào năm 2024.