Tính 6 giờ sáng 7/5, dịch Covid-19 đã lây lan tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 3.810.774 ca nhiễm, 264.021 ca tử vong và 1.287.653 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.258.051 ca nhiễm bệnh Covid-19, tăng 20.418 ca so với hôm trước. Số ca tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2 là 74.190, tăng thêm 1.919 người.
Số ca tử vong ở New York trong 24h qua là 232 ca, con số khá thấp so với thời điểm đỉnh dịch, và mức này đã được duy trì trong 3 ngày qua.
Tại cuộc họp báo cập nhật tình hình, Thống đốc Cuomo cũng cho biết cựu giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt, sẽ đứng đầu một tiểu ban hoạch định lộ trình mở lại các hoạt động ở New York sau đại dịch.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thuộc Đại học Washington, Mỹ, tăng ước tính số người chết vì bệnh Covid-19 tại nước này từ hơn 72.000 lên 135.000, trong bối cảnh nhiều bang nới phong tỏa.
Tây Ban Nha - vùng dịch lớn nhất châu Âu, số ca nhiễm Covid-19 tăng thêm 3.121, nâng tổng số người mắc lên 250.561. Tây Ban Nha báo cáo có thêm 244 người chết do nhiễm bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 25.857, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Italia và Anh. Số ca nhiễm tăng 3.121, lên 250.561.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hạ nhiệt, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Người dân được phép đi dạo hoặc tập thể dục, các doanh nghiệp nhỏ cũng được tiếp những khách hàng hẹn trước. Tuy nhiên, quốc hội Tây Ban Nha hôm qua nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tới ngày 23/5.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia ngày 6/5 thông báo nước này ghi nhận thêm 1.444 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 tại nước này lên 214.457 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 29.684 trường hợp (tăng 369 ca) và số ca hồi phục là 93.245 ca (tăng 8.014 ca).
Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italia hiện có 15.769 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.333, giảm 94 trường hợp.
Anh là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với 201.101 ca nhiễm bệnh, tăng 6.111 ca, nhưng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 30.076 ca tử vong, tăng 649 so với hôm trước.
Thủ tướng Boris Johnson ngày 6/5 thông báo ông sẽ đánh giá công tác chống dịch và đưa ra bước tiếp theo vào ngày 9/5. Thủ tướng Johnson cho biết có thể bắt đầu nới lỏng phong tỏa vào tuần tới, song nhấn mạnh"sẽ không làm gì đặt ra nguy cơ gia tăng các trường hợp mới".
Tính đến tối 6/5, số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp đã lên tới 25.809 người (tăng 278 ca trong 24 giờ), bao gồm 16.237 ( tăng 177) ở bệnh viện và 9.572 (tăng 101) ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.
Hiện 23.983 người đang nằm viện (giảm 779 so với hôm trước), trong đó 3.147 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 283). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 28 ngày nay. Đến nay, 53.972 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Phát biểu trước Thượng viện ngày 6/5, Thủ tướng Edouard Philippe đã nhắc lại rằng ông phản đối sự "giảm bớt trách nhiệm" của những nhà hoạch định chính sách trong việc đề ra các biện pháp nới lỏng phong tỏa. Ông cho rằng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc mở lại các trường học.
Nga đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp ghi nhận hơn 10.000 ca mắc virus SARS-CoV-2, khi báo cáo thêm 10.559 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 165.929. Trong số ca nhiễm mới, 4.314 người không triệu chứng, tương đương 40,9%. Số người chết tăng lên 1.537 sau khi ghi nhận 86 ca tử vong mới.
Ngày 6/5, Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova được thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, khiến bà trở thành thành viên thứ ba trong nội các Nga nhiễm bệnh Covid-19.
Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova được thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. |
Lyubimova, 39 tuổi, có triệu chứng nhẹ và đang tự cách ly ở nhà. Bà tiếp tục làm việc từ xa, tiến hành các cuộc họp trực tuyến, thư ký báo chí Anna Usacheva hôm nay cho biết tại Moscow.
Tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo ông nhiễm bệnh Covid-19 và đang tự cách ly. Phó thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov thay thế trong lúc ông vắng mặt. Bộ trưởng Xây dựng Vladimir Yakushev tuần trước nhập viện để điều trị bệnh Covid-19. Một cấp phó của ông cũng dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong cuộc họp giữa Tổng thống Vladimir Putin với các quan chức địa phương, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đề xuất dần nới lỏng hạn chế, cho phép một số doanh nghiệp ngành công nghiệp và xây dựng trở lại làm việc từ ngày 12/5, nhưng kêu gọi công dân tiếp tục ở nhà nếu có thể. Tổng thống Putin bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này.
Đức ghi nhận thêm 1.155 ca nhiễm, nâng tổng số lên 168.162, trong đó 7.275 người chết, tăng 282 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.
Chính phủ ngày 6/5 nới lỏng thêm một loạt hạn chế. Nhiều cửa hàng được phép hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng. Giải bóng đá Bundesliga sẽ trở lại vào ngày 15/5. Trường học tất cả các cấp dần dần tái mở cửa.
Tuy nhiên, Đức cũng thiết lập cơ chế "phanh khẩn cấp", tái áp đặt hạn chế nếu một khu vực ghi nhận hơn 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày.
Brazil, vùng dịch lớn nhất tại Mỹ Latin, hiện báo cáo tổng cộng 125.218 ca nhiễm bệnh Covid-19 và 8.536 ca tử vong, tăng lần lượt 10.503 và 615. Các chuyên gia đang chuẩn bị cho tình huống tồi tệ hơn tại nước này, do dịch bệnh được dự báo vài tuần nữa mới đạt đỉnh.
Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết chống lại việc phong tỏa đất nước, chỉ trích những thống đốc bang đang duy trì các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 là "vô trách nhiệm và không thể chấp nhận", bởi cho rằng điều này khiến người dân mất việc làm./.