Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Mỹ trừng phạt các DN châu Âu tham gia Dòng chảy Phương Bắc 2 là vô ích”

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố trên được nhà thầu chính dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa ra sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ vừa giới thiệu một dự luật trừng phạt các công ty châu Âu tham gia dự án này.

Ngày 14/5, nhà thầu chính dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cho biết, việc xử phạt các nhà đầu tư châu Âu - các đối tác đã đầu tư nguồn vốn để xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, hoàn toàn vô tác dụng 
Sau khi hoàn thành, Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua biển Baltic đến Đức.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz và Jeanne Shaheen đang nỗ lực thông qua một dự luật trừng phạt các công ty châu Âu liên quan đến dự án tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trước đó, 2 thượng nghị sĩ Mỹ là Ted Cruz của Đảng Cộng hòa và Jeanne Shaheen của Đảng Dân chủ mới đây vừa mới giới thiệu tới lưỡng đảng một dự luật trừng phạt nhằm gây sức ép hơn nữa với Nga và dự án tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy dưới biển Baltic đến Đức.
Theo đó, các lệnh trừng phạt  nhằm vào các công ty liên kết với dự án này, bao gồm tất cả các công ty châu Âu tham gia dự án.
Nhà thầu chính Dòng chảy Phương Bắc 2 - Công ty Nord Stream 2 AG thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, cho biết, các đối tác châu Âu, gồm tập đoàn năng lượng Đức Wintershall và Uniper, Công ty năng lượng Engie (Pháp), Shell (Anh), Royal (Hà Lan) và công ty năng lượng OMV (Áo), đã đầu tư khoảng 1 tỷ euro cho dự án, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hiện đã thu hút hơn 670 công ty từ 25 quốc gia.
Dự luật của Mỹ dù mang vai trò là gây sức ép mạnh mẽ vào Nga nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư châu Âu đã tham gia vào dự án này.
Dù chỉ là dự luật trừng phạt được đề xuất từ 2 nghị sĩ Mỹ nhưng ý tưởng gia tăng trừng phạt đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cùng giống với quan điểm của chính quyền Mỹ trong thời gian gần đây.
Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, cáo buộc dự án khiến EU phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, trong khi Mỹ đang nỗ lực bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho người tiêu dùng châu Âu với giá cao hơn.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu, khi hoàn thành mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.