Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2013, xử lý 41 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 354 tỷ đồng.

Năm 2013, kết quả nổi bật trong hoạt động của Thanh tra Chính phủ là những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện tham nhũng, chú trọng các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Trong năm 2013, công tác phòng, chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ, các ngành, các cấp triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên một số lĩnh vực, qua đó, từng bước kiềm chế những hành vi tham nhũng của cá nhân, tổ chức, đơn vị… Nổi bật là công tác phòng chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chủ động phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý kịp thời. Qua đó, đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 354 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng.

Kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2012.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng kết quả của ngành Thanh tra trong năm 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng kết quả của ngành Thanh tra trong năm 2013.
Điều đáng nói, trước dư luận cho rằng, có tình trạng chậm trễ xử lý các vụ án tham nhũng trọng điểm do có nhiều tình tiết phức tạp thì năm 2013, đã có những chuyển biến rõ rệt. Điển hình như đối với 10 vụ án trọng điểm. Qua đôn đốc cho thấy các cơ quan chức năng tích cực hơn, trong tháng 11 vừa qua đã đưa ra xét xử 2 vụ là: vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) với những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội được dư luận đồng tình. 8 vụ án còn lại sẽ khẩn trương đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất và cố gắng dứt điểm trong quý 1 và quý 2 năm 2014.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, ngay từ đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng kế hoạch thanh tra cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng.

Ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: “Đối với ngành Thanh tra thực hiện quản lý Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Trước hết, chúng tôi tham mưu để xây dựng thể chế, hoàn thiện thể chế để đảm bảo yêu cầu quản lý một cách đầy đủ minh bạch công khai. Làm thế nào để những sơ hở, bấp cập trong thời gian vừa qua được hạn chế đến mức thấp nhất. Đây cũng là điều kiện để chúng ta quản lý được thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn gắn công tác phòng ngừa, tuyên truyền với thanh tra phát hiện xử lý tham nhũng”.

Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Quy định của pháp luật về các biện pháp phòng, chống tham nhũng tiếp tục được cụ thể hóa, rà soát, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, thực tế khảo sát trong nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy có đến 70% doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ cho cán bộ công quyền khiến công tác phòng, chống tham nhũng khó khăn hơn, do đó, các biện pháp mạnh cần đi vào thực chất để giải quyết.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Về phía cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp, nhưng cần đi vào thực chất hơn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ, đơn giản là chi phí hối lộ thấp hơn lợi ích mà họ thu về nên họ làm. Thời gian qua, chúng ta thường xử lý mạnh đối với tham nhũng ở khu vực công.  Thế nhưng, doanh nghiệp hối lộ thì hình phạt nhẹ. Chúng ta không có cơ chế để xử lý doanh nghiệp nên cần có sự thay đổi căn bản để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn”.

Tham dự buổi tổng kết của ngành Thanh tra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, những kết quả mà ngành Thanh tra đạt được đã góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước. Qua đó càng khẳng định công tác thanh tra hết sức quan trọng, luôn gắn liền với công tác quản lý nhà nước. Ở đâu càng làm tốt công tác thanh tra thì hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước càng được tăng lên. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có rất nhiều việc phải làm nhưng càng công khai minh bạch càng giảm thiểu tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản thu nhập, coi kê khai tài sản thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần tập trung vào thanh tra quản lý hành chính Nhà nước lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai vẫn là điểm nóng, vẫn còn nhiều sơ hở, thậm chí là nhiều biểu hiện tiêu cực…

Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra cần quan tâm trong việc chống tham nhũng, đất đai, khoáng sản, thu chi ngân sách. Xử lý nghiêm minh. Đồng thời, chống tham nhũng còn cơ chế chính sách, chưa chặt dễ bị lợi dụng theo hướng công khai, minh bạch. Chống tham nhũng cần đồng bộ các giải pháp, kiên quyết. Công khai minh bạch thì dân mới giám sát được.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, Thanh tra Chính phủ tiếp tục nâng cao công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm công, công tác cán bộ… Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm đẩy mạnh sự chủ động trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng ở các cấp, các ngành.