Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2018, dự báo GDP có thể vượt 6,7%

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định được Bộ KH&ĐT đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 diễn ra vào sáng 24/9.

Đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng: Dự báo triển vọng GDP có thể đạt cao hơn 6,7% nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp cho những tháng cuối năm tiếp tục được duy trì hiệu quả. Nền kinh tế có quy mô ước đạt 5,55 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD. Trong năm 2017, quy mô nền kinh tế Việt Nam là 220 tỷ USD. Dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao; trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
 
Theo Bộ KH&ĐT, nợ công đang trong xu hướng giảm, từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% trong năm 2018. Số thu ngân sách, theo ghi nhận tăng 3% so với dự toán và 5,5% so với năm ngoái, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách khoảng 3,67%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP. Giải ngân vốn FDI đạt khá, ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017. Năm 2017, giải ngân vốn FDI là 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bộ KH&ĐT cũng cho rằng xuất khẩu đang tiếp tục đà tăng trưởng; các chỉ số lạm phát đang được kiểm soát…

Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn nổi lên là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Trong đó, khó khăn lớn nhất từ yếu tố bên ngoài, do nền kinh tế có quy mô nhỏ trong khi độ mở lớn, lại đặt trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều bất ổn. Chính bởi vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng, trong thời gian tới, áp lực sẽ dồn nặng hơn lên các chính sách lớn như điều hành tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát…

"Hiện việc thanh toán bằng đất cho các dự án BT đang bị dừng lại. Dừng ngày nào thì các chủ đầu tư tính lãi ngày đó. Trong khi TP đã chuẩn bị được quỹ đất, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều trở ngại. Đây là vấn đề mà hầu hết các địa phương đều đang vướng mắc. Để tháo gỡ, đại diện TP Hồ Chí Minh đề xuất sớm có nghị định hướng dẫn luật quy hoạch; còn Bộ KH&ĐT cho rằng, để đẩy mạnh tăng trưởng vào cuối năm và giữ đà tăng cho năm sau, Nghị định hướng dẫn luật quy hoạch sẽ sớm được ban hành ngay khi luật quy hoạch có hiệu lực vào đầu năm tới.

Trình bày khó khăn với Bộ KH&ĐT về vấn đề đầu tư công, đại diện TP Hà Nội muốn Bộ tìm cách tháo gỡ cho địa phương được sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT... Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 của Chính phủ tập trung vào các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là vấn đề không chỉ quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2018 mà nó còn có ý nghĩa tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hơn thế nữa điều này quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn sắp tới. Bộ trưởng cho biết, đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN chuẩn bị tổ chức lấy ý kiến góp ý.