Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2024, không để thiếu hụt xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2024, với sự giám sát chặt của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối đang thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao; đồng thời chuẩn bị phương án ứng phó với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới.

Không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung xăng dầu

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 gần 28,42 triệu m3/tấn các loại (tăng 2,4 triệu m3/tấn so với năm 2023). Để lo đủ xăng dầu cho thị trường, kịch bản điều hành được Bộ Công Thương đề xuất là thực hiện theo từng tháng và hàng quý. Trong tình huống bất thường, doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế với cơ quan quản lý Nhà nước.

Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của cả nước năm 2024  là gần 28,42 triệu m3/tấn các loại. Ảnh minh họa
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của cả nước năm 2024  là gần 28,42 triệu m3/tấn các loại. Ảnh minh họa

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, sau khi thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Bộ Công Thương đã ban hành công văn về việc thu hồi chỉ tiêu tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã phân giao cho công ty để cân đối điều chỉnh tổng nguồn phù hợp.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh có phương án đảm bảo nguồn cung; bố trí trao đổi với các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác và các thương nhân phân phối xăng dầu sẵn sàng cung ứng bù đắp cho thị trường.

Đồng thời, Bộ cũng có văn bản gửi Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty xăng dầu Quân đội đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó với các tình huống

Sau khi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) dừng thông quan đối với 2 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil), dư luận dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu mối khác cho biết, đã chuẩn bị phương án ứng phó, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong năm nay.

Các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Ảnh minh họa

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty xăng dầu Quân đội (Mipecorp) Nguyễn Như Chiến cho biết, doanh nghiệp này nhập đủ xăng dầu theo kế hoạch được phân giao, nên đảm bảo nguồn cung xăng dầu cả năm 2024. Năm nay, Mipecorp được giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Đào Nam Hải thông tin, đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn ngay từ cuối năm 2023 với kế hoạch nhập khẩu dài hạn đáp ứng khoảng 70% lượng hàng dự kiến bán ra.

Riêng trong tháng 1/2024, Petrolimex nhập khẩu trên 1 triệu m3 xăng dầu các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Con số này cũng tăng khoảng 10% so với tổng nguồn được phân giao bình quân một tháng. Tập đoàn cũng lên các kịch bản để ứng phó với những tình huống khác nhau.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để đảm bảo nguồn cung sản phẩm xăng dầu trong nước năm 2024 ở mức độ bình ổn, Việt Nam phải đảm bảo dự trữ. Hiện Việt Nam cũng đã có các quy định về dự trữ dầu mỏ và xăng dầu. Do vậy, giải pháp chính là phải đảm bảo dự trữ ở mức hài hòa nhất để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: “Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, trước hết cần thực hiện thay đổi kế hoạch về cung ứng xăng, dầu với các doanh nghiệp đầu mối. Bộ Công Thương cần giao chỉ tiêu cụ thể từng doanh nghiệp đầu mối, rõ địa bàn doanh nghiệp đó phục vụ; phân theo tháng, phân giao xong phải kiểm tra, kiểm soát chặt. Giải pháp này đã nhiều lần tôi khuyến nghị”.

Phía người dân và doanh nghiệp đang mong mỏi một nghị định mới quy định về kinh doanh xăng dầu, thay thế những nghị định cũ trước đó nhằm đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân.

 

Bộ Công Thương cần nâng cao năng lực dự báo chính xác nhu cầu tiêu thụ cụ thể theo từng khu vực vùng miền, từng lĩnh vực, từng thể loại sản phẩm… để có kế hoạch nhập khẩu hay tăng, giảm trong các kho dự trữ, phù hợp nhất với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng lúc nhu cầu tăng cao thì thiếu hàng hoặc là ngược lại.

PGS.TS Định Trọng Thịnh