Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao cả chất và lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm thứ hai phát động, Cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô" dường như đã tạo dấu ấn tốt trong lòng độc giả Hà Nội và cả nước. Không những thế, cuộc thi còn nhận được nhiều sự quan tâm, khích lệ của lãnh đạo TP và T.Ư.

Với gần 2.500 bài viết gửi về từ khắp mọi miền đất nước, những giải pháp cho giao thông năm nay sâu sắc, sát thực và có tính khả thi cao; Hình thức thể hiện phong phú, linh hoạt và độc đáo hơn. Tất cả những sản phẩm đó mang tâm huyết của người yêu Thủ đô, mong muốn một xã hội an toàn, không có nỗi đau từ vấn nạn giao thông.

Dấu ấn của các tập thể

So với cuộc thi năm 2012, năm nay, Ban tổ chức cuộc thi rất "căng thẳng" trong việc chọn lựa bài viết để trao giải. Trong 9 tháng phát động (từ tháng 3 đến hết tháng 11/2013), đã có gần 2.500 bài viết của nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước gửi về. Nhiều đơn vị tham gia với số lượng bài dự thi rất lớn: Bệnh viện Đa khoa Đông Anh 195 bài; Cán bộ giáo viên và học sinh trường Tiểu học An Thọ (Đan Phượng) 573 bài; UBND xã Đồng Tháp (Đan Phượng) 193 bài. Thậm chí, cùng một đơn vị có rất nhiều đội, nhóm tham gia với số lượng lớn như Học viện An ninh Nhân dân; Nhóm Dấu ấn C500 với hơn 300 bài dự thi; Nhóm Mắt bão 100 bài; Nhóm Đồng đội C500 73 bài.

Cuộc thi năm nay còn đón nhận rất nhiều tác giả không hoạt động trong lĩnh vực giao thông tham gia đóng góp giải pháp như: Nhạc sĩ Phạm Tuyên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, và cả người nước ngoài Choi Go Ara (Hàn Quốc)…
Sinh viên Học viện An ninh Nhân dân trao bài dự thi “Vì An toàn Giao thông Thủ đô năm 2013” cho báo Kinh tế & Đô thị.
Sinh viên Học viện An ninh Nhân dân trao bài dự thi “Vì An toàn Giao thông Thủ đô năm 2013” cho báo Kinh tế & Đô thị.
Chất lượng cao hơn

Chất lượng, nội dung bài dự thi cũng cao hơn nhiều so với cuộc thi lần thứ nhất. Các vấn đề giao thông được đề cập sát thực và đang có nhiều tranh luận như: Cơ sở hạ tầng giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật; Hệ lụy phát sinh từ xe đạp, xe máy điện, biển báo, vòng xuyến, tiếng còi phương tiện…

Từ việc nêu, phân tích vấn đề giao thông nhiều chiều, nhiều góc độ, các tác giả đề xuất những giải pháp cụ thể như:  Biến xe ôm, xe taxi thành phương tiện chung vận chuyển hành khách; Phát minh ra đèn giao thông thông minh; Xử lý vi phạm giao thông bằng giải pháp mềm, bằng hình ảnh; Tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông bằng loa phát thanh, qua internet…

Hình thức thể hiện độc đáo

Đặc biệt, với cuộc thi năm nay, hình thức thể hiện ý tưởng của các tác giả rất độc đáo, đặc sắc, công phu, bài bản, thậm chí rất lạ như: Tuyên truyền giao thông qua móc chìa khóa của tác giả Nguyễn Cao Hoàng. Theo đó, những khẩu hiệu, lời cảnh báo, nhắc nhở về an toàn giao thông, số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục CSGT… sẽ được in, khắc trên móc chìa khóa. Hay "Cà phê biển báo" ở Đà Nẵng của tác giả Vinh Quang. Các biển báo, gương chiếu, đèn tín hiệu… được trưng bày bố trí hài hòa trong không gian quán tạo cho khách hàng sự thích thú, nhưng có hiệu quả nhắc khách hàng nâng cao ý thức tham gia giao thông.

Học viện An ninh Nhân dân là đơn vị tham gia với số lượng bái viết lớn nhất, hình thức thể hiện cũng đa dạng và độc đáo nhất. Ngoài hàng trăm bài viết có sự nghiên cứu số liệu thực tế, phản ánh những gương người thật, việc thật trong giao thông, được chia theo chủ đề rõ ràng, các tác giả đã rất công phu xây dựng những clip, hình ảnh, tranh vẽ cổ động xung quanh vấn đề giao thông… Điều đó thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm với bài viết của mình qua việc thiết kế cả giá để trưng bày tác phẩm.

Học viên Đào Minh Lân, thành viên Nhóm Mắt bão chia sẻ: "Từ mọi miền Tổ quốc về với Hà Nội sống và học tập, các thành viên trong nhóm luôn trăn trở với vấn nạn ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Chính vì vậy, thông qua cuộc thi này, các thành viên Nhóm Mắt bão muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với hy vọng những đề xuất ý tưởng đó sẽ góp phần tích cực vào việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông tại Hà Nội". Còn theo học viên Lê Hùng Duy - Trưởng nhóm Đồng đội C500: "Hy vọng với những việc làm này của giới trẻ giao thông Thủ đô sẽ sớm được cải thiện".

Vững bước đi tiếp

Gần 2.500 bài viết dự thi là con số ấn tượng, đồng thời cho thấy tầm ảnh hưởng và hiệu quả tác động của cuộc thi cũng như sự quan tâm của độc giả đối với vấn nạn giao thông của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Cuộc thi đã và đang khẳng định vị thế một giải báo chí thường niên của TP Hà Nội, hoàn thành trọng trách nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội để cùng chung tay quyết tâm cải thiện tình trạng tai nạn, UTGT. Hướng đến sự phát triển của một Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, như mong muốn và lời căn dặn tâm huyết của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, cuộc thi viết "Vì An toàn Giao thông Thủ đô" sẽ vững bước đi tiếp, đồng hành cùng với chương trình "Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông" để nâng cao ý thức và thay đổi nhận thức người dân. Góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn không nỗi đau mất mát từ TNGT".

 
Danh sách tác phẩm - tác giả đoạt giải Cuộc thi viết “Vì An toàn Giao thông Thủ đô năm 2013”

Giải Đặc biệt:

Nhóm Dấu ấn C500 - Học viện An ninh Nhân dân.

Giải Nhất:

Tác phẩm: Quy hoạch giao thông nhìn từ quỹ đất của tác giả GS.TSKH Đặng Hùng Võ.Giải Nhì (2 giải):

1 - Tác phẩm: Cà phê biển báo Đà Nẵng: Từ một ý tưởng độc đáo của tác giả Vinh Quang.

2 - Chùm bài: Giải mã và xây dựng văn hóa giao thông Hà Nội; Bài 1: Hà Nội không giống Vientiane, Tokyo, Berlin…; Bài 2: Không thể tách rời văn hóa đời sống; Bài 3: Kết hợp giáo dục giữa gia đình - nhà trường của tác giả Nhật Minh - Báo Kinh tế & Đô thị.

Giải Ba (5 giải): 1 - Tác phẩm: Tuyên truyền giao thông qua móc chìa khóa: Một ý tưởng hay cần nhân rộng của tác giả Nguyễn Cao Hoàng -  Giáo viên trường THCS Lê Văn Tám (Tuy An, Phú Yên).    

2 - Chùm bài: Đội mũ bảo hiểm cho trẻ;  Người giữ cuộc sống bình yên; Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Hãy hành động vì tình thương yêu của tác giả Trọng Tùng - Báo Kinh tế & Đô thị.         

3 - Tác phẩm: An toàn giao thông  -Khởi nguồn từ mái ấm gia đình của tác giả Hoa Hữu Vân.

4 - Tác phẩm: Người cảnh sát giao thông bây giờ vất vả hơn xưa của Nhạc sĩ Phạm Tuyên.       

5 - Tác phẩm: Tình người trên những xa lộ của tác giả Nguyễn Đăng Giải Khuyến khích (10 giải):       

1 - Chùm bài: Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cần chú trọng các giải pháp “mềm”;  Xử phạt qua hình ảnh: Giải pháp hiệu quả giảm ùn tắc và tai nạn giao thông Công ty CP Xây dựng, dịch vụ, hợp tác lao động (Oleco) của tác giả Lê Xuân Luyện.

2 - Chùm bài: Xây dựng thành phố “xe đạp”; Bài 1: Giải pháp khả thi giảm ùn tắc giao thông; Bài 2: Đạp xe vì một Hà Nội an toàn của tác giả Gia Hân - Báo Kinh tế & Đô thị. 3 - Tác phẩm: Hiện đại hóa hệ thống thông tin, tín hiệu, biển báo giao thông của tác giả  Dương Duy Đài. 

4 - Chùm bài: Tính khả thi từ ý tưởng giao thông của sinh viên; Hệ thống giao thông phục vụ người khuyết tật: Yếu và thiếu; Đèn giao thông thông minh giúp giảm tắc đường của tác giả  Nguyên Hà  - Báo Kinh tế & Đô thị.   

5 - Tác phẩm: “Lối riêng” của tác giả Khải Lâm - Báo Kinh tế  & Đô thị.        

6 - Tác phẩm: Khuyến khích học sinh học luật giao thông: Thay đổi nhận thức từ giới trẻ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia của tác giả Nguyễn Trọng Thái -  80 Trần Hưng Đạo.

 7 - Chùm bài: Coi taxi là phương tiện vận tải công cộng: Hành khách sẽ được hưởng lợi; Điều kiện để vận tải hành khách công cộng phát triển của tác giả Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

8 - Tác phẩm: Giảm thiểu tai nạn giao thông ở ngoại thành: Gắn tuyên truyền với xử lý nghiêm vi phạm của tác giả Ngô Xuân. 

9 - Tác phẩm: Hạn chế tại nạn giao thông bắt đầu từ việc nhỏ của tác giả Khải Chi.  10 - Chùm bài: Tuyên truyền VHGT qua mạng: Hướng đi mới cần được nhân rộng; Nhân rộng mô hình “Phụ nữ với an toàn giao thông”; Dùng loa phường chống ùn tắc giao thông: Ý tưởng hay nên nhân rộng của tác giả Đinh Thành Trung.