Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý đáp ứng nhu cầu người dân

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/1, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP Hà Nội tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018.

Năm qua, Trung tâm đã triển khai đồng bộ trợ giúp pháp lý (TGPL), chú trọng đối tượng trẻ em, người khuyết tật (tổ chức riêng 196 cuộc TGPL lưu động). Tăng cường TGPL cho người dân các xã miền núi, xã dân tộc. Số việc trợ giúp pháp lý đều tăng cao, số người được tư vấn trực tiếp tại các cuộc TGPL là 9.900 lượt người, tăng 1.352 lượt so với năm 2016.
 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP Hà Nội tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018. 
Trung tâm đã gắn kết chặt chẽ cùng Hội đồng phối hợp liên ngành TP trong hoạt động TGPL tố tục, việc triển khai thực hiện đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó (từ tháng 10/2016 – 9/2017), Trung tâm đã cử trợ giúp viên, luật sư cộng tác tham gia tố tục 565 vụ việc để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 493 người. Các ngành, các cấp đã chủ động tham gia TGPL. Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và trại giam TP đã niêm yết công khai thông tin TGPL, đặt hộp tin TGPL tại trụ sở tiếp dân của đơn vị; tạo điều kiện cho TGPL cùng luật sư cộng tác viên sao chụp tài liệu, tiếp xúc với người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo thuộc diện được TGPL. 
Ngoài phối hợp chung, các ngành công an, kiểm sát, toà án đều đạt những kết quả cao trong công tác TGPL. Theo đó, cùng thời gian thực hiện kế hoạch, Công an TP Hà Nội đã TGPL cho 514 trường hợp; Viện KSND trợ giúp 284 trường hợp và Toà án Nhân dân TP trợ giúp 421 trường hợp…

Năm 2018, Trung tâm đã ban hành những kế hoạch cụ thể nhằm tiếp tục TGPL hiệu quả, chất lượng. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể để hoạt động TGPL được triển khai sâu rộng, đáp ứng nhu cầu cho người được hưởng chính sách nhà nước về TGPL. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhiệm vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ thực hiện, phù hợp với yêu cầu thực tế. Tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu TGPL theo nhóm đối tượng đặc thù và tại các địa bàn phức tạp liên quan đến vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng. Phổ biến pháp luật cho người dân các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã dân tộc và miền núi, trong đó yêu tiên các trường hợp là phụ nữ. Rà soát, xây dựng và góp ý vào những dự thảo văn bản liên quan đến TGPL theo hướng có tính khả thi cao nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của công tác TGPL trên thực tế.