Hạn chế tần suất phát hành trái phiếu cũng như giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu để bảo đảm thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh và ổn định. Ảnh: Việt Dũng |
Siết thời gian, giá trị phát hành trái phiếu
Nghị định mới theo đó quản lý chặt chẽ hơn tổng giá trị phát hành và tiến độ phát hành TP của các DN. Theo đó, DN phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành. Trước đây, khi không có giới hạn, thị trường không ít lần "hốt hoảng" với những DN có dư nợ phát hành gấp tới cả 100 lần vốn chủ sở hữu.
Đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng. Theo quy định, mỗi đợt phát hành không được quá 100 nhà đầu tư (NĐT), trước đây các DN sẽ "lách luật" xé nhỏ các đợt phát hành để tiếp cận được lượng NĐT lớn hơn. Quy định kể trên cũng sẽ giới hạn đáng kể số lượng NĐT có thể mua TPDN phát hành riêng lẻ.
Nghị định ra đời trong bối cảnh cơ quan quản lý đang xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) với mục đích tạo thêm nhiều cơ chế bảo vệ hơn cho các NĐT. Tuy còn có ý kiến khác nhau nhưng cả cơ quan quản lý lẫn các DN tư vấn, chuyên gia tài chính đều khá đồng thuận với quan điểm cần phải khống chế tần suất phát hành TP cũng như giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của DN, giảm thiểu rủi ro mất tiền cho NĐT, đảm bảo thị trường TPDN phát triển lành mạnh và ổn định.
Hướng đến sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư
Theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, 6 tháng đầu năm có 130 DN phát hành TP, với giá trị trên 156.000 tỷ đồng. Ngân hàng và DN bất động sản là 2 nhóm phát hành TP nhiều nhất. Đến hết tháng 6, các ngân hàng đã phát hành thành công hơn 43.300 tỷ đồng TP, kỳ hạn bình quân 4,55 năm. Trong khi lượng TP phát hành của các DN bất động sản hơn 45.500 tỷ đồng, với kỳ hạn bình quân 3,84 năm.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, lãi suất ngân hàng giảm, NĐT cá nhân có xu hướng gom TP. Hiện nay, quan sát trên thị trường, lãi suất bình quân huy động của nhóm DN BĐS cũng cao hơn mức lãi suất bình quân chung của thị trường, với khoảng trên 11%/năm, thậm chí nhiều DN chấp nhận trả lãi suất rất cao lên đến 14 - 15%.
Sự gia tăng của NĐT cá nhân, gồm cả NĐT cá nhân nhỏ lẻ trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của TP, đồng thời thiếu khả năng phân tích đánh giá, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các NĐT này. Trường hợp DN phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với NĐT thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của NĐT đối với thị trường TPDN nói riêng, thị trường vốn nói chung.
Chưa kể, khi các DN BĐS chạy đua phát hành TP với lãi suất cao sẽ phá vỡ mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ. Nếu không có sự kiểm soát tốt thì sẽ gây rủi ro cho thị trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Với những quy định hiện nay, Bộ Tài chính đang muốn nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường TP. Nếu có nền tảng hạ tầng thị trường tốt như dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chất lượng cao, hệ thống kiểm toán tin cậy, hệ thống đại lý định giá TP độc lập, hệ thống thông tin thị trường minh bạch, tính chuyên nghiệp của các DN phát hành và NĐT được nâng cao... thì sẽ giúp thị trường TP phát triển lành mạnh, hiệu quả. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan quản lý còn chú trọng để thu hút NĐT tổ chức gồm các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài giải ngân vào thị trường TPDN Việt Nam.
Khi bị hạn chế phát hành trái phiếu riêng lẻ, DN sẽ nỗ lực phấn đấu để đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo hình thức ra công chúng với thông tin minh bạch hơn, giảm rủi ro cho NĐT. Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh |