Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất, giữ chân vốn đầu tư nước ngoài

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn trên đà tăng trở lại. Nhiều DN Việt nội đã thuyết phục các nhà đầu tư ngoại rót hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những dự án quy mô lên đến hàng tỷ USD cũng đã xuất hiện. Nhiều cơ hội mở ra, tuy nhiên, thu hút vốn FDI chất lượng cao và giữ dòng vốn đó ở lại vẫn là một bài toán khó, cần những giải pháp mạnh mẽ hơn.

Thông tin từ đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỷ USD. Xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Có thể nói, động thái thu hút FDI trong 8 tháng năm nay đã có sự đảo chiều tích cực, chấm dứt giai đoạn suy giảm liên tục 4 năm từ 2019 - 2022, chuyển sang tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tính lũy kế đến ngày 20/8, Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của

Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Số liệu tích cực từ dòng vốn FDI đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN triển khai giải ngân vốn đầu tư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024 cũng là một thách thức của dòng vốn này. Mặt khác, Việt Nam cũng đang hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc. Vì thế, làm sao để nâng chất lượng vốn FDI theo hướng bền vững, đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước, ưu tiên kinh tế số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo… là bài toán cấp bách đặt ra.

Để thực hiện được mục tiêu vốn FDI bền vững này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm năng lực của các đối tác trong nước và củng cố chuỗi cung ứng dài hạn, xây dựng chuỗi sản xuất giảm phát thải. Đây chính là những yếu tố để hấp dẫn thêm nhiều DN từ các đối tác lớn của Việt Nam như Singapore, Mỹ, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế, tránh các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho DN trong quá trình tuân thủ.

Bản thân DN Việt cũng phải liên tục thay đổi, điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu từ quốc tế; học hỏi không ngừng, nâng cao trình độ quản trị theo chuẩn quốc tế, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững… để có thể đồng hành và giữ chân các “đại bàng kinh tế”.