Chấp nhận Ukraine sẽ đảm bảo an toàn cho NATO
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Vilnius, Litva, trọng tâm đổ dồn vào Ukraine khi nhiều quan chức cấp cao nhấn mạnh tầm quan trọng của nước này nếu gia nhập liên minh.
Theo cựu tổng thư ký NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) Anders Fogh Rasmussen, các nhà lãnh đạo NATO cần nhận ra rằng hòa bình và ổn định ở châu Âu phụ thuộc vào một Ukraine an toàn và độc lập. Nghĩa là, cuối cùng việc cần thiết là đưa Ukraine vào NATO, Foreign Policy dẫn lời vị cựu quan chức.
Tư cách thành viên NATO là đích đến cuối cùng, nhưng để đạt được điều đó, người Ukraine cần sự ổn định và an ninh: đảm bảo an ninh ngay bây giờ, ông Rasmussen nhấn mạnh.
Do đó, Ukraine cần được bảo lãnh cung cấp vũ khí, huấn luyện chung dưới lá cờ của Liên minh châu Âu và NATO bên ngoài Ukraine, chia sẻ thông tin tình báo, cũng như đầu tư bền vững vào công nghiệp quân sự của nước này.
Ông cho rằng bản thân việc đảm bảo an ninh không phải là mục đích cuối cùng, nhưng chúng có thể tạo cầu nối để Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của cả NATO và EU. Bởi lẽ chúng có thể cung cấp sự an toàn cần thiết để nền kinh tế Ukraine phục hồi và tái thiết.
"Các nhà lãnh đạo gặp nhau ở Vilnius không được lặp lại sai lầm trong quá khứ. Họ phải đưa ra cam kết an ninh và đặt Ukraine trên con đường trở thành thành viên NATO. Nếu không làm vậy, chúng ta đối mặt nguy cơ bất ổn và xung đột không hồi kết trên đất châu Âu," cựu Tổng thư ký NATO nêu rõ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nêu bật tầm quan trọng của nước mình, cho rằng toàn thể người dân và chiến binh Ukraine đang đóng góp sức lực đảm bảo an toàn cho cả NATO.
Ông nói chính quân đội Ukraine mới là cánh tay đắc lực bảo vệ sườn phía Đông NATO mà không phải Mỹ hay Đức. Nhiều đơn vị thiện chiến của Ukraine sẽ đóng quân tại các quốc gia đồng minh để tìm kiếm sự bảo vệ khỏi mối đe dọa từ Nga.
Khối quyền lực mới của NATO
Kristi Raik, phó giám đốc Trung tâm Quốc phòng và An ninh, nhận định trong khi Nga phải vật lộn với cuộc chiến ở Ukraine thì NATO ngày càng lớn mạnh ở Đông bắc Âu – vòng cung trải dài từ các nước Bắc Âu đến các nước vùng Baltic và cuối cùng là Ba Lan. Điều này giúp liên minh chống lại các mối đe dọa từ Moscow cũng như tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Mỹ trong thập kỷ tới.
Đặc biệt, Ba Lan đang xây dựng một trong những đội quân hùng mạnh nhất ở châu Âu, với kế hoạch chi 4% GDP cho quốc phòng vào năm 2023. Các quốc gia vùng Baltic cũng đang tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, với mục tiêu 3% GDP trong những năm tới.
Sự gia nhập của Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển sẽ mang lại sức mạnh mới cho NATO, bao gồm lực lượng bộ binh có chuyên môn cao của Phần Lan và tiềm lực hàng hải mạnh mẽ của Thụy Điển. Có thể nói, hai thành viên mới này sẽ tăng cường bảo vệ vùng Baltic vốn là mối bận tâm của Nga.
Bắc Âu, vùng Baltic và Ba Lan là những quốc gia người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, trước hết là vì các nước này dễ bị ảnh hưởng nếu Nga tấn công Ukraine.
NATO cần hiện thực hóa đối sách với Trung Quốc
Theo ông A. Wess Mitchell, giám đốc Marathon Initiative, vào năm 2022, NATO thừa nhận Trung Quốc là thách thức an ninh và bắt buộc phải có đối sách phù hợp.
Đầu tiên, NATO cần phát triển các kế hoạch dự phòng trong trường hợp xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung. Ở mức tối thiểu, NATO cần thường xuyên cập nhật và công bố các vấn đề về Trung Quốc. Tất nhiên cũng cần một cơ quan tư vấn nhằm giảm thiểu xung đột giữa NATO và Liên minh châu Âu.
Thứ hai, NATO cần các công cụ bao gồm cơ sở hạ tầng, viễn thông, quân đội để ngăn chặn động thái chống trả từ Trung Quốc.
Thứ ba, NATO cần tăng cường mọi nguồn lực để bảo vệ khu vực trọng tâm Euro-Atlantic. Việc Mỹ có thể chiến thắng Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khối phòng thủ vững chắc ở Đông Âu. Tất nhiên mọi thứ sẽ thuận lợi hơn nếu Nga thất bại ở Ukraine, nhưng điều cần thiết nhất vẫn là sự hiện diện lâu dài của NATO ở sườn phía Đông.