KTĐT - Nền kinh tế Mỹ đang phải tìm cách giải bài toán hóc búa trong cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển nhanh khác nhằm duy trì vị thế đầu tàu của mình.
Mỹ đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như việc giành tầm ảnh hưởng toàn cầu và các dự án năng lượng. Do đó, việc cắt giảm ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao, đặc biệt là ngân quỹ dành cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thể gây ảnh hưởng đến các lợi ích chiến lược của Mỹ trên toàn thế giới.
Đó là tuyên bố được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra ngày 2/3 trước phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Ngoại trưởng Hillary cũng lưu ý Washington cần nỗ lực tận dụng các khoản đầu tư vào khu vực Tây Bán cầu. Bà nhấn mạnh vai trò thiết yếu của mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin, trong đó có Colombia.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết dù dành nhiều viện trợ để giúp Chính phủ Colombia đối phó với các tay súng của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và nạn buôn bán ma túy, song đến nay Mỹ vẫn chưa hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do với Bogota.
Trước đó, phát biểu với Hiệp hội thống đốc bang, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng Washington đang phải cạnh tranh với các nền kinh tế phát triển nhanh như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, đồng thời yêu cầu các thống đốc bang khẩn trương giải quyết thách thức nhằm duy trì vị thế đầu tàu của Mỹ.
Theo ông, trong một thế giới liên kết và cạnh tranh cao như hiện nay, Mỹ không chỉ phải tự cạnh tranh, mà còn phải cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil cũng như với các nước khác trên toàn thế giới trong vấn đề tạo việc làm và các ngành công nghiệp mới. Vì vây, để có thể giành thắng lợi trong tương lai, nền kinh tế đầu tàu thế giới cần có một lực lượng lao động lành nghề và có trình độ, cần phát minh công nghệ vượt trội và có một mạng lưới thông tin-vận tải tin cậy, nhanh chóng./.