Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga có thể đáp trả Anh và phương Tây bằng "đòn" nào?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt nguồn từ cáo buộc đầu độc cựu điệp viên, căng thẳng Moscow - London trở thành căng thẳng Nga - phương Tây tương tự thời kỳ "Chiến tranh lạnh".

Trong động thái mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Moscow kể từ sau đỉnh cao thời kỳ "Chiến tranh lạnh", Mỹ và các thành viên Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch trục xuất một số lượng lớn các nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả điện Kremlin về cáo buộc đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái. Moscow bác bỏ tất cả các cáo buộc có liên quan đến vụ đầu độc, cho rằng phản ứng của phương Tây là “động thái khiêu khích” và tuyên bố sẽ đáp trả.

Anh là quốc gia trục xuất số nhà ngoại giao Nga nhiều nhất - 23 người. Các quốc gia EU quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Litva, Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, Estonia, Croatia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Romania, Thụy Điển... Ngoài Mỹ, 5 nước không thuộc EU đã đưa ra quyết định tương tự gồm Ukraine, Canada, Albania, Australia, Na Uy, Macedonia. Gần nhất, NATO đã nối tiếp chuỗi trừng phạt này khi trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga tại trụ sở ở Brussels. 

 Nga đang đối mặt với đòn đáp trả nặng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, điều này không hẳn có nghĩa là EU đã 100% đồng lòng trong việc xử trí với Nga. Vẫn còn khoảng 10 nước thành viên EU khước từ động thái tương tự. 10 quốc gia này đều là các nền kinh tế nhỏ, việc này khiến họ càng khó "mạnh miệng" khi đối mặt với một "ông lớn" như Nga. Đặc biệt, trong số này có Chủ tịch luân phiên hiện tại của EU là Bulgaria. Quan hệ khăng khít giữa Sofia và Moscow là nguyên nhân khiến nước này lưỡng lự. Italia cũng vẫn chia rẽ trước vấn đề quan hệ với Nga. Trong khi chính quyền Rome trục xuất 2 nhân viên ngoại giao Nga, thủ lĩnh đảng cực hữu Liên đoàn Matteo Salvini, chính trị gia có khả năng sẽ trở thành thủ tướng tương lai của Italy, chỉ trích quyết định trục xuất. "Áp đặt các lệnh trừng phạt hay trục xuất các nhà ngoại giao sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Tốt nhất là chúng ta nên đối thoại" - ông Salvini phát biểu.

Điều này không khó lý giải bởi Nga luôn đóng vai trò chủ chốt trong cung cấp khí đốt - nguồn năng lượng mang tính sống còn cho châu Âu. Đây cũng là nguyên nhân nhiều lần lãnh đạo các nước EU chia rẽ trước quyết định đối đầu với Moscow hay không.

Vì vậy, các chuyên gia dự đoán, nếu tình hình leo thang, Đức sẽ phải đối mặt với áp lực hủy bỏ dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Điều này nhiều khả năng sẽ khiến Berlin phải cân nhắc kỹ càng bởi những lợi ích kinh tế đáng kể từ dự án đó.

Bên cạnh đó, về mặt chính trị, dưới thời của ông Putin, Nga đã dần lấy lại được vị thế cường quốc trong nhiều vấn đề quốc tế như nội chiến Syria, cuộc khủng hoảng Ukraine… Nga hiện tại còn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và hoàn toàn có thể sử dụng phiếu phủ quyết để ngăn cản việc thông qua nghị quyết trừng phạt trong nhiều vấn đề điểm nóng như Iran hoặc vấn đề Triều Tiên… Điều này sẽ khiến Mỹ và các nước phương Tây cân nhắc.