Nga có thể làm trung gian hòa giải khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - EU

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện Kremlin cho biết Nga sẵn sàng hỗ trợ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới giữa Belarus với Liên minh châu Âu (EU).

Tass đưa tin phát biểu với báo chí ngày 15/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - EU với tư cách là trung gian trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên leo thang trong những ngày gần đây.
 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 14/11, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách có thể để giải quyết tình hình khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus và EU.
Nga là một đồng minh quan trọng của Belarus, quốc gia mà EU cáo buộc đã tiếp nhận rồi đưa hàng nghìn người di cư, hầu hết từ Trung Đông, đến biên giới với Ba Lan và thúc đẩy họ vượt biên trái phép để vào châu Âu.
Được biết, trong ngày 15/11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành cuộc điện đàm kéo dài 50 phút, thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với EU.
Cùng ngày Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhấn mạnh phía Belarus không muốn cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới với Ba Lan leo thang thành xung đột, bởi nó sẽ tác động tiêu cực tới quốc gia này.
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko nêu rõ Minsk sẵn sàng đưa người di cư tại khu vực biên giới giáp với Ba Lan về nước, song họ không muốn hồi hương. Ông Lukashenko cũng khẳng định Belarus sẵn sàng hỗ trợ đưa người di cư tới Đức bằng máy bay của Belavia - hãng hàng không quốc gia Belarus, nếu Ba Lan không cung cấp hàng lang nhân đạo.
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với Latvia, Litva và Ba Lan đã trở nên căng thẳng vào ngày 8/11. Vài nghìn người từ phía Belarus đến biên giới Ba Lan và không rời khỏi khu vực biên giới, một số người trong số họ đã cố gắng lọt vào lãnh thổ của Ba Lan, phá vỡ hàng rào thép gai.
Một số quốc gia thuộc EU cáo buộc chính quyền Minsk cố tình làm leo thang cuộc khủng hoảng, và kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 30 cá nhân và hãng hàng không Belavia của Belarus.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Lukashenko lại tuyên bố chính các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc này, bởi các hành động của họ khiến người dân nhiều quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria, Afghanistan phải tha hương./.