Theo hãng tin Tass, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky, cho biết Moscow sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine một cách hòa bình trên bàn đàm phán, nhưng hiện vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Nhờ cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những bên bảo đảm cho Thỏa thuận Minsk, giờ đây chúng tôi biết chắc chắn rằng phương Tây đang tranh thủ thời gian, cố gắng trang bị vũ khí cho Ukraine và chuẩn bị cho tình huống này," ông Polyansky nói trong cuộc phỏng vấn hôm 13/12.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit hôm 7/12, bà Merkel cho biết mục đích thực sự của Thỏa thuận Minsk trong giai đoạn năm 2014-2015 là nhằm kéo dài thời gian và cho phép Ukraine xây dựng tiềm lực quân sự cho cuộc đối đầu trong tương lai với Nga.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố của bà Merkel về các Thoả thuận Minsk một lần nữa chứng minh rằng, việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là một quyết định đúng đắn.
Cũng trong bài phỏng vấn trên, ông Polyansky lưu ý thêm rằng Nga muốn đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự (ở Ukraine) "thông qua các biện pháp hòa bình và điều đó hoàn toàn khả thi".
"Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chúng tôi đã đề xuất với các nước phương Tây về việc đảm bảo an ninh cho Nga và thảo luận về Ukraine, về cách Ukraine cần thực hiện Thỏa thuận Minsk. Một số điều kiện do chúng tôi đưa ra rất dễ dàng. Trước hết, Ukraine hãy ngừng tấn công chính công dân của mình, thừa nhận thực tế rằng họ có quyền con người, họ có quyền nói ngôn ngữ của họ và tôn thờ những người anh hùng của họ," ông Polyansky nhấn mạnh.
Vị này cũng khẳng định: "Nếu có thể đạt được điều đó thông qua bàn đàm phán và thông qua một số hình thức bảo đảm, chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác. Tuy nhiên, những gì chúng tôi nhận được từ phương Tây vào thời điểm này lại là cách đối xử xem thường và loại bỏ các mối quan tâm của chúng tôi. Và sau đó, các cuộc pháo kích vào Donbass đã tăng cường đáng kể".
Ông Polyansky nhắc lại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã nhiều lần tuyên bố chúng tôi sẵn sàng chấm dứt xung đột một cách hòa bình trên bàn đàm phán". "Nhưng tất nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện thông qua việc xem xét gốc rễ sâu xa của vấn đề này và loại bỏ chúng. Đối với Ukraine, đó là không gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào trong tương lai cho Nga. Còn bây giờ, những gì chúng ta thấy hoàn toàn ngược lại. Ukraine hoàn toàn đi sai hướng. Vì vậy, tôi e ngại rằng điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm là tiếp tục chiến dịch quân sự và chúng tôi phải chiến đấu không chỉ với Ukraine, mà còn với vũ khí của NATO," nhà ngoại giao Nga cho hay.
Trước đó cùng ngày, Điện Kremlin cũng loại trừ khả năng rút lực lượng khỏi Ukraine trong tương lai gần, đồng thời kêu gọi Kiev chấp nhận "thực tế mới" để tìm kiếm giải pháp kết thúc chiến sự.
Reuters ngày 13/12 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, khả năng Nga rút quân khỏi Ukraine ngay trong năm 2022 là điều không thể xảy ra.
Ông Peskov cũng kêu gọi Kiev chấp nhận "thực tế mới" về tình hình lãnh thổ. "Thực tế mới" được ông Peskov đề cập là việc Nga hồi tháng 9 chính thức tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye tại vùng Donbass sau các cuộc trưng cầu dân ý. "Nếu không tính đến những thực tế mới đó thì không thể có tiến bộ nào," ông Peskov nêu rõ.
Các phát biểu của người phát ngôn Điện Kremlin là phản hồi của Nga sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12/12 kêu gọi các nước G7 ủng hộ giải pháp hòa bình mà Kiev vạch ra, trong đó có việc Nga phải rút quân từ Giáng sinh năm nay.
Tổng thống Zelensky cũng hối thúc G7 tiếp tục hỗ trợ tài chính, năng lượng và thiết bị quân sự, điều mà Moscow luôn phản đối gay gắt. Nhà lãnh đạo Ukraine còn thúc giục các nước cung cấp thêm cho Kiev khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt để sưởi ấm trong mùa Đông.
Gần 10 tháng giao tranh, Nga duy trì kiểm soát tỉnh Lugansk, 50% tỉnh Donetsk, phần lớn các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia. Ukraine gần đây tăng cường phản công, nhưng hứng nhiều thiệt hại trước hỏa lực áp đảo của Nga.