Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga hy vọng Đan Mạch sớm phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 chỉ còn chờ được Đan Mạch thông qua để Nga bắt đầu tiến hành xây dựng.

Nga hy vọng Đan Mạch sớm phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak bày tỏ hy vọng Moscow sẽ sớm nhận được giấy phép từ chính phủ Đan Mạch cho phép tuyến đường ống Dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 chạy qua lãnh hải của nước này.
"Chúng tôi hy vọng các đồng nghiệp Đan Mạch sẽ nhanh chóng đưa ra các quyết định liên quan đến dự án này. Chúng tôi mong rằng các đồng nghiệp Đan Mạch sẽ xúc tiến việc cấp phép  xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Novak nói.
Theo Bộ Năng lượng Nga, Đan Mạch sẽ là nước cuối cùng trong số 5 quốc gia mà tuyến ống đường ống đưa khí đốt từ Nga tới Đức chạy dưới đáy biển Baltic cần được cấp giấy phép để xây dựng. Tuy nhiên, hiện chính phủ Đan Mạch vẫn chưa đồng ý thông qua giấy phép để tuyến đường ống được chạy qua lãnh hải của nước này. Trước đó, Nga, Đức, Phần Lan và Thụy Điển đều đã phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt theo dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.225km, xuất phát từ vịnh Narva tới Lubmin, miền Đông Bắc nước Đức.
Dự kiến, dự án Dòng chảy ​​Phương Bắc 2  với tổng vốn đầu tư khoảng 9,5 tỷ Euro sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đặt mục tiêu hàng năm sẽ cung cấp 55 tỷ m3 khí tự nhiên của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) thông qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc hiện tại trước khi rẽ nhánh và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020.
Dự án được dẫn đầu bởi một công ty con của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, hợp tác triển khai với tập đoàn năng lượng Đức Wintershall và Uniper, tập đoàn đa quốc gia Engie của Pháp, tập đoàn dầu khí liên doanh Anh - Hà Lan Royal Dutch Shell và công ty năng lượng Áo OMV.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine, do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga. Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.