Tại một cuộc họp của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) hôm 21/2, Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov tuyên bố Nga sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình với Nhật bất cứ lúc nào nếu văn kiện quy định một điều khoản về "quan hệ láng giềng tốt đẹp".
"Như Tổng thống Putin đã đề xuất tại Diễn đàn kinh tế phương Đông, chúng tôi sẵn sàng soạn thảo và ký hiệp ước hòa bình ngay bây giờ, nhưng không phải là một hiệp ước hòa bình tương tự các ký kết ngay sau chiến tranh thế giới, bởi tình trạng chiến tranh giữa chúng ta đã chấm dứt với việc thông qua Tuyên bố năm 1956", ông Lavrov nói.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu nước Nga cho rằng các đối tác Nhật Bản đang "có cách tiếp cận khác đối với hiệp ước hòa bình", đồng thời nhấn mạnh, việc ký kết một hiệp ước hòa bình dự kiến phải bao gồm sự công nhận hoàn toàn của Tokyo về kết quả của Thế chiến II.
"Hiệp ước hòa bình không thể được ký kết nếu không có sự thừa nhận bắt buộc về kết quả của Thế chiến II vì nó đã được quy định bởi nhiều tài liệu, mà quan trọng nhất là bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Lavrov lập luận, "nó (Hiến chương LHQ) tuyên bố rằng mọi thứ mà các cường quốc chiến thắng đã làm không phải chịu sự suy xét... Đến bây giờ, chúng tôi không thấy sự sẵn sàng của Nhật Bản nhằm xác nhận những gì họ đã ký khi vào Liên Hợp Quốc".
Kể từ giữa thế kỷ XX, Nga và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tham vấn để hướng đến một hiệp ước hòa bình theo sau kết quả của Chiến tranh Thế giới lần 2, với khúc mắc chính chủ yếu là về chủ quyền quần đảo Kuril.