Nga phản ứng mạnh khi EU thông qua gói trừng phạt thứ 12

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow sẽ “có câu trả lời”. Trong khi đó, quan chức cấp cao của Duma Quốc gia Nga khẳng định EU đang "tự bắn vào chân mình" khi áp lệnh trừng phạt chống Moscow.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Theo hãng tin Tass, Điện Kremlin ngày 19/12 cho biết Nga đã có giải pháp đối phó với biện pháp hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào mặt hàng kim cương của nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Moscow sẽ không thể ngăn cản sự phát triển của ngành công nghiệp kim cương  Nga.

Quan chức Điện Kremlin cũng lưu ý, nước này nhận thấy không có mối đe dọa lớn nào từ việc đóng băng tài sản của các doanh nghiệp quốc phòng Nga, vốn nằm trong gói trừng phạt thứ 12 của Brussels.

Ông Peskov nhấn mạnh thêm: “Việc EU thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Nga chứng tỏ khối này đang cạn kiệt các biện pháp gây sức ép đối với Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine”.

Cùng ngày, ông Leonid Slutsky -Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) chỉ trích EU tiếp tục gây hấn kinh tế chống lại Nga và can thiệp vào cuộc bầu cử của nước này thông qua gói trừng phạt mới nhất.

Theo quan chức Hạ viện Nga, Brussels đang tự làm tổn thương chính mình khi áp đặt lệnh cấm vận với Moscow.  "Chúng tôi đã đối phó hiệu quả trước làn sóng trừng phạt của phương Tây, đồng thời nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ bất chấp gần 18.000 biện pháp hạn chế” - ông Slutsky nói với hãng tin Tass hôm 19/12.

Trước đó, hôm 18/12, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đương nhiên Moscow sẽ có biện pháp đáp trả gói trừng phạt thứ 12 của EU.

Các tuyên bố trên được giới chức Nga đưa ra sau khi Hội đồng châu Âu (EC) hôm 18/12 đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Moscow nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Ngày 18/12, Hội đồng châu Âu  đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Moscow. Ảnh: Tass
Ngày 18/12, Hội đồng châu Âu  đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Moscow. Ảnh: Tass

Ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU cho biết, với gói trừng phạt thứ 12, EU đã đưa ra một loạt danh sách mới và các biện pháp kinh tế sẽ làm suy yếu nguồn tài chính hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại nước láng giềng Ukraine.

“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng, như tôi đã từng tuyên bố khi làm chủ tịch Hội đồng đối ngoại không chính thức ở Kiev, chúng tôi vẫn kiên định với cam kết của mình đối với Ukraine và sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev” - Europa trích phát biểu của ông Borrell.

Các biện pháp trừng phạt mới đã được EU áp đặt đối với 61 cá nhân cũng như 86 công ty và tổ chức của Nga. Gói trừng phạt thứ 12 của EU gồm các hạn chế đối với con trai Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev là Ilya Medvedev, Tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga Viktor Afzalov, Chủ tịch Duma thành phố Moscow Alexey Shaposhnikov, lãnh đạo Cộng hòa Altai Oleg Khorokhorder và lãnh đạo Cộng hòa Bashkiria Radiy Khabirov, cũng như 14 thành viên Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga.

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt mới nhất của EU cũng nhằm vào các kênh truyền hình Spas và Tsargrad, Rosfinmonitoring, Công ty Tupolev, Nhà máy trực thăng Kazan, và Tổ hợp Hàng không mang tên Ilyushin.

Từ ngày 1/1/2024, EU sẽ áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu kim cương phi công nghiệp được khai thác, chế biến hoặc sản xuất tại Nga. Bên cạnh đó, từ ngày 1/3/2024, các hạn chế từng bước đối với việc nhập khẩu kim cương Nga được gia công ở các quốc gia khác bắt đầu có hiệu lực.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ và EU áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Nga và gây ra tình trạng bất ổn ở Moscow.

Tuy nhiên, trong cuộc giao lưu trực tuyến thường niên với người dân và truyền thông Nga hôm 14/12, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, bất chấp 11 vòng trừng phạt từ EU, nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022.

Người đứng đầu Điện Kremlin nêu rõ, tăng trưởng GDP của Nga năm nay dự kiến đạt 3,5%, đồng thời biên độ an toàn của nền kinh tế đủ để Nga tự tin. Ngoài ra, thu nhập thực tế của người dân tăng khoảng 5%.