Hôm thứ Ba, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cảnh báo Moscow đã soạn thảo luật nhằm trả đũa Mỹ và đồng minh nếu như các nước này tịch thu 300 tỷ USD tài sản đang bị đóng băng của Nga do liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với Dmitry Kiselyov, Giám đốc tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya thuộc sở hữu của chính phủ Nga, bà Matvienko cho biết kế hoạch tịch thu tài sản Nga của EU chưa từng có trong lịch sử cũng như có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
“Điều này hoàn toàn bất hợp pháp và người dân châu Âu đều biết không nên làm như vậy” – quan chức này cho biết.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung Ương Nga, phần lớn đang được nắm giữ bởi EU. Moscow đã nhiều lần cáo buộc đây là hành vi chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp.
Các quan chức ở một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, khẳng định quyết tâm tịch thu toàn bộ tài sản Nga bất chấp những lo ngại về việc động thái này là bất hợp pháp.
Matvienko nhấn mạnh Nga đã sẵn sàng trước nguy cơ bị tịch thu tài sản.
“Chúng tôi đã soạn thảo một dự luật và có thể sẽ áp dụng ngay lập tức nếu như phương Tây tiến hành tịch thu tài sản. Châu Âu sẽ mất nhiều hơn so với chúng tôi. Họ sợ điều này, đặc biệt là khi nền kinh tế khu vực đang gặp khó”.
Thượng nghị sĩ cho rằng việc tịch thu tài sản Nga sẽ khiến nền kinh tế EU tiếp tục khó khăn và Washington đang cố tận dụng điều này để gia tăng khoảng cách với châu Âu.
“Washington đang vượt trội hơn EU về mọi khía cạnh và cách biệt này thậm chí có thể lớn hơn trong tương lai” – quan chức này cho biết.
Từ quan điểm trên, bà Matvienko đề nghị cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nên phản đối quyết liệt việc tịch thu tài sản Nga nếu như không muốn gánh chịu hậu quả từ các biện pháp trả đũa của Moscow.
Trong khi EU đang trì hoãn việc tịch thu tài sản của Moscow, một số quốc gia thành viên đang thực hiện kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ những quỹ này để mua vũ khí cho Ukraine cũng như tăng cường năng lực quốc phòng cho nước này.
Tuy nhiên, theo Politico, một số thành viên của khối đã hoài nghi về sáng kiến này. Hungary và Slovakia phản đối ý tưởng gửi vũ khí đến Ukraine, trong khi Malta và Luxembourg cũng bày tỏ sự không hài lòng do không được hỏi ý kiến về kế hoạch này.