Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Syria phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Nga và Syria đều thể hiện sự không đồng tình với việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran.

Phản ứng trước quyết định áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/8 bày tỏ sự 'thất vọng sâu sắc' về lệnh trừng phạt. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Syria cũng thể hiện quan điểm không đồng tình với quyết định của chính quyền Mỹ, coi lệnh trừng phạt của Washington là "bất hợp pháp".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad gặp nhau tại TP Sochi, Nga hôm 17/5/2018. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo đó, nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7/8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.
Từ ngày 5/11, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 2 nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran.
Chính quyền Damascus khẳng định sẽ vẫn duy trì mối quan hệ đoàn kết với Iran trong bối cảnh Tehran đang "đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt của chính quyền Mỹ", theo một quan chức của Bộ Ngoại giao Syria.
Nga, một trong số 5 nước đã tham gia ký Thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, hiện cũng đang nỗ lực cứu vãn văn kiện quan trọng này sau khi chính quyền Mỹ thông báo rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ làm "mọi việc cần thiết" để "cứu" Thỏa thuận hạt nhân Iran và bảo vệ lợi ích kinh tế chung với Tehran.
"Đây là một ví dụ rõ ràng về việc Washington vi phạm Nghị quyết 2231 của Liên Hợp quốc (về thỏa thuận Iran) và luật pháp quốc tế", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Moscow cũng nhấn mạnh rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran đã và đang phát huy hiệu quả cao, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "không cho phép chấm dứt một thỏa thuận đa phương với những thành quả quan trọng như vậy chỉ vì lý do chính quyền Mỹ đã rút".
"Chính quyền Tổng thống Trump sẽ không thể có được sự nhượng bộ từ phía Iran bằng cách gia tăng áp lực với các biện pháp trừng phạt kinh tế," tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giao đã chịu ảnh hưởng không nhỏ trước cảnh báo áp đặt trở lại lệnh cấm vận từ Mỹ, cụ thể đồng Rial của Iran mất khoảng 50% giá trị kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân.