“Rất có thể, tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1 của Nga sẽ được bổ sung thêm những chiếc T-62” - Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm 6/3.
Trước đó, đơn vị này đã nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata - thế hệ mới được sản xuất từ năm 2021.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Trong những ngày gần đây, xe bọc thép BTR-50 của Nga cũng đã được cho là lần đầu tiên xuất hiện ở Ukraine. Kể từ mùa hè năm 2022, khoảng 800 chiếc T-62 đã được đưa ra khỏi kho. Trong đó, một số đã được nâng cấp các hệ thống quan sát và cải thiện hiệu quả vào ban đêm.
Chưa rõ thực hư về tình hình Bakhmut
Hiện chưa rõ thực hư ở Bakhmut - miền đông Ukraine - như thế nào sau những luồng thông tin trái chiều vào cuối tuần qua. Nhiều câu hỏi đặt ra như việc Nga đã kiểm soát được bao nhiêu phần của thành phố và liệu lực lượng Ukraine đã rút khỏi thành phố hay chưa?
Hôm 5/1, ông Volodymyr Nazarenko, chỉ huy quân đội Ukraine ở Bakhmut, cho biết không có bất kỳ mệnh lệnh nào cho việc rút lui và tất cả đang cố giữ phòng tuyến trong thành phố. Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi thứ nơi đây chẳng khác gì địa ngục.
Tuy nhiên, cùng vào ngày hôm đó các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) suy đoán về một đợt rút quân của quân đội Ukraine ở Bakhmut mặc dù họ cho rằng còn quá sớm để khẳng định việc này.
ISW cho biết lực lượng Ukraine ở bờ phía đông sông Bakhmutka có thể đang rút khỏi vị trí. Nhưng các nhà phân tích cũng cho biết nguồn tin về việc Nga đã chiếm được các phần phía đông, phía bắc và phía nam của Bakhmut chưa được xác minh.
ISW tin rằng việc nỗ lực phòng thủ Bakhmut của Ukraine vẫn hợp lý vì sẽ tiếp tục tiêu tốn nguồn lực của Nga, miễn là họ không chịu tổn thất nặng nề.
Ngày 3/3, ông Yevgeny Prigozhin - người đứng đầu Tập đoàn lính đánh thuê của Nga Wagner, thông tin rằng quân đội của ông đã bao vây Bakhmut và tiếp tục yêu cầu tăng cường đạn dược. Tuy nhiên, ông cũng khá quan ngại về tình hình chiến sự nếu Wagner rút lui khỏi Bakhmut bây giờ - cho thấy mâu thuẫn của tập đoàn với Bộ Quốc phòng Nga sau khi ông chỉ trích các quan chức quốc phòng.
Vào hôm 5/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết việc Nga rút quân khỏi Ukraine là cơ sở cho đàm phán hòa bình.
“Theo quan điểm của tôi, ông Putin phải nhận ra rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ không thành công và nên đưa ra sự lựa chọn đúng đắn là rút quân. Đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán” - ông Scholz cho biết vào hôm 5/3.
Ông cũng thừa nhận rằng cuộc chiến ở Ukraine dường như đã đi vào giai đoạn bế tắc, với việc các lực lượng Nga đã chiếm được một số ưu thế ở Donbass, phía đông đất ở Ukraine.
“Nhưng có một điều khá chắc chắn là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ tài chính, nhân đạo cũng như vũ khí” – Ông khẳng định.
Giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Scholz cho biết Đức sẽ hỗ trợ Ukraine khi mà nước này cần. Tuy nhiên, Đức đã bị chỉ trích vì trì hoãn cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kiev trong nhiều tháng qua.
Vào tháng 1, Berlin cuối cùng đã đồng ý gửi xe tăng cho Kiev và cho phép các quốc gia khác sở hữu xe tăng do Đức sản xuất làm điều tương tự. Tuy nhiên, Berlin từ chối việc gửi thêm máy bay.