Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới, Mỹ ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga đã vượt Tây Ban Nha trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới, trong khi đó số người nhiễm bệnh tại Mỹ tăng lên 1.526.136 trường hợp.

Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 18/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 4.795.7521 trường hợp, trong đó 316.401 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 1.849.400 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 212 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 toàn cầu với hơn 1,5 triệu ca nhiễm.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 18.363 ca mắc và 818 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.526.136 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 90.931 trường hợp. New York, tâm dịch của Mỹ, báo cáo 139 ca tử vong mới, mức thấp nhất kể từ 26/3. 
Hầu hết 50 bang tại Mỹ đã bắt đầu cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại và người dân được di chuyển tự do, tuy nhiên, chỉ duy nhất 14 bang đáp ứng được các chỉ dẫn liên bang về gỡ bỏ các giới hạn nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết các ca mắc Covid-19 vẫn chưa tăng tại các bang đang mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông Azar cũng cảnh báo hiện còn quá sớm để xác định xu hướng dịch bệnh tại những nơi này sẽ ra sao. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng của việc tái mở cửa là giám sát các hội chứng giống cúm trong cộng đồng cũng như số liệu về các ca nhập viện và xét nghiệm đối với những người không có triệu chứng.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) dự đoán đến ngày 1/6, Mỹ sẽ ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong.
Nga trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 281.752 ca nhiễm, tăng 9.709 ca so với trước đó 1 ngày. Tổng số ca tử vong trên cả nước là 2.631, tăng 94 trường hợp. Đây là lần thứ ba trong tuần này số ca nhiễm mới dưới 10.000. Tuy nhiên, số liệu của Nga kể từ đầu tháng 5 lên xuống thất thường nên giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định nước này đã bước vào xu hướng giảm số ca nhiễm hàng ngày.
Chính phủ Nga đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch Covid-19 và chấm dứt kỳ nghỉ có lương của phần lớn người lao động từ 12/5. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 15/5 khẳng định nước này không giấu số ca tử vong trong đại dịch.
 Nga vượt Tây Ban Nha, trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới.
Giới chức y tế Nga cho rằng một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 thấp là việc số liệu chỉ tính những trường hợp chết trực tiếp do virus. Bên cạnh đó, dịch bệnh tấn công Nga muộn hơn so với các nước khác nên nước này có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị giường bệnh cũng như xét nghiệm diện rộng.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 1.214 ca nhiễm và 87 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 277.719 và 27.650. Đây là lần đầu tiên trong hai tháng số ca tử vong hàng ngày dưới 100, song giới chức y tế cho rằng số liệu thấp có thể do báo cáo chậm vào cuối tuần.
Nhiều cơ sở kinh doanh tại Tây Ban Nha đã nối lại hoạt động. Quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực được mở cửa trở lại. Tại Madrid và Barcelona, những nơi áp đặt hạn chế khắt khe nhất, cửa hàng hiện có thể tiếp nhận khách hàng mà không cần hẹn trước và bảo tàng có thể mở cửa trở lại dù giới hạn lượng khách. Các cửa hàng rộng hơn 400 m2 được phép mở lại trên cả nước, nhưng cũng hạn chế lượng khách.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez muốn kéo dài tình trạng khẩn cấp toàn quốc tới hết tháng 6 trước khi nới phong tỏa hoàn toàn. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Tây Ban Nha đã được gia hạn 4 lần.
Số ca nhiễm và tử vong do nhiễm Covid-19 tại Anh lần lượt là 243.695 và 34.636 sau khi báo cáo thêm lần lượt 3.534 và 170 ca. Đây là mức tăng ca tử vong hàng ngày thấp nhất kể từ 24/3 tại vùng dịch chết chóc nhất châu Âu.
Từ tuần trước, Anh "tích cực khuyến khích" mọi người quay trở lại làm việc nếu công việc của họ không thể làm từ xa, như ngành sản xuất hoặc xây dựng. Người dân cũng được tập thể dục ngoài trời không giới hạn, có thể tham gia các môn thể thao nhiều người như đánh golf, tennis và câu cá, miễn là những người đi cùng đều là thành viên trong một gia đình. Thủ tướng Anh cũng đề nghị người dân tránh phương tiện giao thông công cộng nhiều nhất có thể, chuyển lời khuyên "Hãy ở nhà" thành "Hãy cảnh giác".
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, và hiện đã vượt Italia, trở thành vùng dịch lớn thứ 5 thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 7.165 ca mắc và 458 ca tử vong, nâng tổng số lên 240.307 ca bệnh và 16.091 ca tử vong.
Một cuộc thăm dò trong tuần trước cho thấy 2/3 người Brazil đồng ý cần "cách biệt cộng đồng", điều các thống đốc và chuyên gia y tế ủng hộ. Trong khi đó, Tổng thống Jair Bolsonaro cố gắng mở lại phòng gym, tiệm làm tóc và các hoạt động kinh doanh khác.
Italia báo cáo có thêm 675 ca nhiễm và 145 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 225.435 và 31.908. Các cửa hàng mở cửa, nhà hàng, tiệm làm tóc hoạt động trở lại từ ngày 18/5, tuy nhiên chỉ các thành viên trong cùng gia đình được phép ngồi gần nhau tại nhà hàng.
Chính phủ Italia sẽ cho phép tự do đi lại lại từ ngày 3/6, đánh dấu sự nới lỏng hạn chế lớn sau khi Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3.
Pháp ghi nhận có thêm 204 ca nhiễm, nâng tổng số lên 179.569, trong đó 28.108 người chết, tăng 483 ca.
Chính quyền Paris đã nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ 11/5. Tuy nhiên, giới chức nhấn mạnh họ sẵn sàng tái siết chặt hạn chế nếu cần thiết. Tại chợ bán buôn lớn ở Rungis gần Paris, người bán hàng và mua hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang, khách hàng không được phép chạm vào sản phẩm. 
Đức ghi nhận thêm 381 ca nhiễm và 28 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 176.625 và 8.048. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong khu vực cũng như toàn cầu.
Chính phủ đã nới nhiều biện pháp hạn chế, cho phép các cửa hàng hoạt động trở lại, miễn là tuân thủ quy định vệ sinh và giãn cách. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Đức nới lỏng quy tắc kiểm dịch với người đến từ các nước EU và Anh. Giới chức chỉ yêu cầu người nhập cảnh cách ly nếu họ đến từ các quốc gia có số ca nhiễm cao. Người đi từ các nước ngoài EU vẫn phải cách ly bắt buộc hai tuần./.