Theo đài RT, ngày 29/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine.
Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin RTVI, Thứ trưởng Galuzin nhấn mạnh, tương lai của Ukraine phụ thuộc vào việc nước này và các đồng minh, đối tác phương Tây có nhanh chóng "thừa nhận thực tế" hay không.
Theo bản kế hoạch hòa bình vừa được ông Galuzin tiết lộ, quân đội Ukraine trước tiên phải hạ vũ khí, phương Tây phải dừng toàn bộ việc hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Nga cũng có những yêu cầu mà Moscow đã đưa ra tại các vòng đàm phán hòa bình trước đó như Ukraine phải "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa", cam kết không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU), khẳng định vị thế trung lập.
Một điều kiện khác được bổ sung hồi tháng 10/2022 và bao gồm việc công nhận "các thực tế mới về lãnh thổ" hay thừa nhận việc Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Zaporozhye, Donetsk và Lugansk sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Bên cạnh đó, Ukraine phải cam kết bảo vệ ngôn ngữ Nga, quyền lợi của cộng đồng người nói tiếng Nga cũng như các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Ukraine. Theo Thứ trưởng Galuzin, Ukraine cần mở cửa biên giới với Nga, khôi phục khung pháp lý về quan hệ với Moscow và các nước cộng hòa hậu Liên Xô.
Lần đầu tiên, Moscow đề nghị dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt chống Nga và "rút lại các cáo buộc, ngừng các vụ kiện nhằm vào nước Nga, công dân và tổ chức của Nga".
Đề nghị cuối cùng trong kế hoạch hòa bình do ông Galuzin đưa ra là phương Tây phải bồi thường thiệt hại, trang trải chi phí tái thiết các cơ sở hạ tầng dân sự bị quân đội Ukraine bị phá hủy kể từ năm 2014.
Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh, tương lai hòa bình của Ukraine phụ thuộc vào việc tôn trọng quyền của cộng đồng nói tiếng Nga, khôi phục quan hệ hữu nghị với tất cả láng giềng, quay lại quy chế trung lập, không liên kết quân sự như tuyên bố độc lập năm 1990.
Ông Galuzin cảnh báo, Moscow sẽ không dung thứ cho một quốc gia công khai chống lại Nga bất kể biên giới của họ là gì. "Cả Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác sẽ không chấp nhận điều này từ quan điểm an ninh" – Thứ trưởng Galuzin nêu rõ.
Điện Kremlin nêu rõ quan điểm về giải pháp duy nhất cho xung đột Ukraine
Trong phát biểu đưa ra hôm 29/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã trình bày quan điểm về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Theo quan chức Điện Kremlin, tình hình hiện tại ở Ukraine khiến cho các biện pháp giải quyết xung đột thông qua con đường chính trị hoặc ngoại giao trở nên "bất khả thi". Thay vào đó, giải pháp quân sự trở thành lựa chọn duy nhất của Nga.
Ông Peskov nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần rằng mục tiêu của Nga có thể đạt được bằng nhiều giải pháp khác nhau, chẳng hạn như chính trị hoặc ngoại giao. Tuy nhiên, trong trường hợp các biện pháp này trở nên bất khả thi, tôi rất tiếc phải thừa nhận rằng giải pháp quân sự thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ là lựa chọn duy nhất".
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng cáo buộc các quốc gia phương Tây đang tham gia gián tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine thông qua những biện pháp gây sức ép lên Nga. Ông Peskov cho rằng sự tham gia này sẽ chỉ khiến cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài thêm.
Trước đó, hồi đầu tháng này, ông Peskov nói rằng Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán để chấm dứt xung đột, song các nước phương Tây dường như không muốn Kiev ngồi vào bàn đàm phán, thay vào đó đang đẩy mạnh việc cung cấp khí tài cho Ukraine.
Nhà chức trách Ukraine hiện chưa lên tiếng bình luận về những tuyên bố trên của Điện Kremlin.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố, Ukraine sẽ không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga. Phía Kiev cũng đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm của mình, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân, khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine.
Cuộc xung đột quân sự giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu đã kéo dài hơn 1 năm và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev đã bị đình trệ kể từ tháng 3 năm ngoái.
Thời gian tới, giới quan sát nhận định xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục leo thang khi Kiev sẽ đẩy mạnh chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ.