Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga, Ukraine lên tiếng về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensk cho biết ông sẵn sàng xem xét các phần trong kế hoạch hòa bình 12 điểm do Bắc Kinh đưa ra, trong khi đó Nga đánh giá cao đề xuất này.

Nga, Ukraine và phương Tây đã có những phản ứng khác nhau sau khi Trung Quốc hôm 24/2 đưa ra đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass

Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/2 nhận định Trung Quốc thực sự muốn giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng những trở ngại chính cho hòa bình là giới lãnh đạo Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Kiev.

"Chúng tôi đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc đóng góp vào tiến trình giải quyết xung đột ở Ukraine bằng biện pháp hòa bình" - đài RT dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong một thông báo khi bình luận về lộ trình 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra nhằm chấm dứt xung đột một cách hòa bình.

Quan chức ngoại giao Nga cho biết, Moscow có cùng lập trường với Bắc Kinh rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua đều "bất hợp pháp" cũng như là "một công cụ của cạnh tranh không công bằng và chiến tranh kinh tế".

Khi đề cập đến Ukraine, bà Zakharova cho rằng: "Nga cởi mở trong việc đạt được mục tiêu qua các phương tiện chính trị và ngoại giao", đồng thời đề cập đến các tiêu chí cho một nền hòa bình "toàn diện, công bằng và bền vững".

Bà nhấn mạnh: "Điều này yêu cầu việc phương Tây phải chấm dứt cung cấp vũ khí và lính đánh thuê cho Ukraine, chấm dứt các hành động thù địch, Ukraine trở lại tình trạng trung lập và không liên minh, công nhận thực tế lãnh thổ mới là kết quả của quyền tự quyết của người dân, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine cũng như loại trừ tất cả các mối đe dọa bắt nguồn từ lãnh thổ nước này".

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trở ngại chính cho hòa bình hiện nay là lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin mà Ukraine thông qua vào cuối tháng 9 năm ngoái. Sự kiên quyết của Tổng thống Zelensky với mục tiêu quân đội Nga rút khỏi "Donbass, Crimea, Zaporozhye và Kherson" đã phần nào cho thấy việc các quan chức Kiev "xa rời thực tế".

Bà Zakharova cũng nhắc lại việc chính phủ Ukraine ngừng đàm phán hòa bình với Nga vào tháng 4/2022. Theo truyền thông Ukraine, quyết định trên được đưa ra sau khi ông Boris Johnson - người là Thủ tưởng Anh khi đó, đến thăm Kiev và nói rằng phương Tây chưa sẵn sàng cho hòa bình với Nga.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky nói rằng ông sẵn sàng xem xét các yếu tố trong đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Ukraine thông báo ông có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng điều này sẽ “hữu ích” cho cả hai quốc gia và an ninh toàn cầu.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: AP

Trong khi đó, Reuters đưa tin, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine  tuyên bố rằng bất kỳ kế hoạch nào để chấm dứt chiến tranh đều phải liên quan đến việc rút quân đội Nga về biên giới khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Trong khi đó, các nước phương Tây tỏ ra hoài nghi với đề xuất ngừng bắn tại Ukraine của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, xung đột ở Ukraine có thể chấm dứt ngay ngày mai nếu Nga tuân thủ vấn đề chủ quyền, ngừng tấn công và rút quân. Ông Blinken lưu ý thêm rằng Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga thông qua các công ty trong nước, đồng thời nhắc lại cáo buộc rằng Bắc Kinh "hiện đang cân nhắc hỗ trợ Moscow vũ khí sát thương".

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh "không đáng tin cậy" trong vấn đề Ukraine bởi nước này không lên tiếng chỉ trích Moscow.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Trung Quốc không chia sẻ một kế hoạch hòa bình mà chỉ chia sẻ một số nguyên tắc.

Đề xuất của Trung Quốc nêu rõ các bên cần tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế đã được công nhận; kêu gọi các bên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và cùng có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững hướng tới một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững, cũng như hòa bình và ổn định trên lục địa Á-Âu.

Bắc Kinh cũng hối thúc các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình, cũng như kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng, ngăn chặn cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, Trung Quốc đề xuất tất cả các bên liên quan nên ủng hộ Nga và Ukraine nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt nhằm hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.