Xuất khẩu ì ạch
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 515 triệu USD (tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 132 triệu USD, tăng 24,1%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 157 triệu USD, tăng 36,3%.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, Việt Nam đã ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do nên đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề về giá bán và vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là rào cản lớn khiến sản phẩm thịt của Việt Nam chưa được đẩy mạnh xuất khẩu.
Đơn cử, đối với vấn đề xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào thị trường Trung Quốc, ông Tống Xuân Chinh cho biết: suốt nhiều năm qua, hầu hết các sản phẩm thịt (thịt lợn, thịt gà, thịt trâu, thịt bò…) đều không xuất khẩu được sang Trung Quốc vì nhiều lý do như chưa được phép xuất khẩu chính ngạch; xuất khẩu tiểu ngạch thì vấp phải các rào cản biên giới, kiểm tra, kiểm soát theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, cho rằng: "Việt Nam ở cạnh một thị trường tiêu thụ thịt lợn rất lớn là Trung Quốc, song đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xuất thịt lợn chính ngạch sang thị trường này dù cơ quan chức năng hai nước đã bàn thảo nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý là khi chưa tìm được đầu ra xuất khẩu cho các sản phẩm thì giá lợn, gà… vẫn luôn ở tình trạng bấp bênh mỗi khi thị trường biến động”.
Lý giải nguyên nhân xuất khẩu chăn nuôi vẫn mãi ì ạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán phân tích: giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao do các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của Việt Nam đều cơ bản nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) chi phối nên sản phẩm thịt hiện không thể cạnh tranh được với các nước.
Nhập siêu thịt, nguy cơ thua trên sân nhà
Việt Nam nhập siêu sản phẩm thịt là do giá thành chăn nuôi ở trong nước khá cao nên không thể cạnh tranh với các sản phẩm thịt giá siêu rẻ từ các nước. Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quá thấp so với các sản phẩm nông sản khác và chỉ bằng 1/7 giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Thực tế, so với các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Mỹ, Canada, Australia, EU… thì chi phí giá thành chăn nuôi của Việt Nam có một khoảng cách lớn hơn do chất lượng giống chưa tốt, việc hao hụt từ dịch bệnh trong chăn nuôi còn cao. Chưa kể đến việc ngành chăn nuôi trong nước còn phụ thuộc vào nguồn thức ăn và thuốc thú y nhập khẩu.
Từ thực tế đó, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương kiến nghị, để ngành chăn nuôi phát triển và hướng tới xuất khẩu sản phẩm, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ, từ nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nội địa cho đến đầu tư con giống, quy hoạch đất đai.
Bên cạnh đó, vấn đề tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường, xuất khẩu thịt từ quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới cũng cần được quan tâm. Song song đó, cơ quan quản lý cần nhận diện rõ ràng, cụ thể và cảnh báo kịp thời những áp lực cạnh tranh về giá, về sự đa dạng sản phẩm mà ngành chăn nuôi phải đối mặt.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do với các cam kết về hội nhập thì sản phẩm chăn nuôi trong nước chắc chắn phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Theo đó, để cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu, sản phẩm chăn nuôi trong nước cần phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến sâu.
Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ đang nghiên cứu xây dựng các hàng rào kỹ thuật để giám sát tốt hơn sản phẩm nhập khẩu. Song song với đó, hạn chế nhập khẩu qua đường tiểu ngạch để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh và thực phẩm không đảm bảo an toàn do sử dụng chất cấm.
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước, Việt Nam bắt thuộc phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới. Đối với các doanh nghiệp, các địa phương cần phải đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến