Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành dệt may: Nhọc nhằn hội nhập

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng do sản xuất chủ yếu là gia công khiến giá trị gia tăng của ngành dệt may không cao.

Nguyên nhân là do việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may chưa xứng tầm, chi phí cho logistics quá cao… khiến cho ngành khó tham gia vào chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Nội tại yếu

Ngành dệt may đang có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của nền kinh tế khi có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những khó khăn nội tại của ngành dệt may đang trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành. Trong đó khó khăn lớn nhất hiện nay là công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển khiến cho các DN không thể hội nhập.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu tại Công ty CP May 10.  Ảnh:  Thanh Hải

Theo chia sẻ của nhiều DN dệt may, do trong nước vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu khiến DN luôn ở thế bị động. Đơn cử, Công ty May Sài Gòn 3 vẫn phải nhập đến 70% lượng vải từ nước ngoài, chỉ có 30% là chủ động được từ lượng vải nội địa. Ngoài ra, khả năng cung ứng của các DN Việt cũng chưa đạt được chất lượng cao để phục vụ những đơn hàng chuyên biệt của đối tác. Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi hội nhập, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến ở nhiều DN.

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam cho biết, nếu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt đến 30 tỷ USD/năm, thì chi phí logistics đã chiếm đến 2,79 tỷ USD, cùng với chi phí vận chuyển khác là 1,7 tỷ USD. Ngoài ra, việc các sử dụng dịch vụ logistics không hợp lý khiến cho các DN thiếu chủ động trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu, không kiểm soát được thời gian giao hàng cũng như khó kiểm soát được chi phí và các rủi ro phát sinh…

Tạo chuỗi cung ứng

Hiện nay, các DN trong ngành dệt may luôn nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, khai thác các thị trường ngách… Tuy nhiên, ông Đặng Vũ Thành cho rằng, việc thay đổi phương pháp nhập khẩu nguyên phụ liệu theo điều kiện FOB sẽ giúp cho DN dệt may có cơ hội giảm giá thành, tăng tỷ suất lợi nhuận. “Làm được điều này, không chỉ hiệu quả cho các DN dệt may, mà còn tác động tích cực đến bản thân các DN logistics, được hưởng lợi nhuận vì chủ động được về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải”- ông Thành nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, muốn hội nhập, các DN cần lựa chọn thiết bị từ các nước công nghiệp tiên tiến để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chỉ ra, điểm yếu và là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới do chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may. Chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi các bước đáp ứng tốt nhất cả về chất lượng, giá và thời gian giao hàng. Để khắc phục những tồn tại trên, Chính phủ và các bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may.
Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước; tỷ lệ giá trị gia tăng của hàng dệt may năm 2016 là 51,3%, tăng 0,3% so với năm 2015. Tính đến hết tháng 9/2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ.