Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành dệt may tận dụng từng cơ hội

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có đơn hàng khả quan trong năm theo mùa vụ, song các DN dệt may gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, chi phí vận tải, nguồn lao động… tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh, cũng như thị phần xuất khẩu hậu dịch.

Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn được đánh giá là còn dư địa để đạt được mục tiêu.

May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải  
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải  

Nghịch lý thị trường

Dù có đơn hàng khả quan, có những mã đã đến hết năm, song nỗi lo lớn nhất của Tổng Công ty May 10 trong bối cảnh Trung Quốc thực hiện Zero Covid về nguồn cung nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển tăng cao…

Theo Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu, khí đốt leo thang, kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, với 50% nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nước này áp dụng chiến lược Zero Covid, dẫn đến việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao hiện hữu.

Dù chi phí tăng cao, ông Thân Đức Việt khẳng định, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Đó là nghịch lý với những tác động của thị trường.

Chia sẻ với báo chí về các hoạt động của Vinatex, Chánh Văn phòng HĐQT Vương Đức Anh thông tin, bên cạnh những thuận lợi, các DN cũng gặp nhiều khó khăn khi sản xuất, xuất khẩu. Đơn cử, sau khi lãnh đạo Vinatex đi thị trường Mỹ nhận thấy sự thay đổi nhất định về cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, khi đi qua siêu thị trung tâm thương mại lớn của Mỹ đã có thay đổi lớn bởi tình hình lạm phát khi giá xăng dầu thế giới tác động, trong đó có Việt Nam tăng khá cao khoảng 50% so với đầu năm và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái đội giá sản phẩm.

Do đó, người tiêu dùng tại Mỹ cũng sẽ phải tiết giảm chi tiêu, giảm mua và tiết kiệm được đến gần 20.000 tỷ đồng. Dù sức mua trong năm 2021 cực tốt dẫn đến các nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam rất cao và kéo dài cho đến tận quý I/2022.

Bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số một của dệt may Việt Nam nói chung và của Vinatex nói riêng, chiếm lần lượt 45% và 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành và của Tập đoàn. Đã có thời điểm trong quý II/2020, dệt may Việt Nam đã vượt Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất vào Mỹ.

Trong 6 năm qua, xuất khẩu dệt may Việt Nam đi Mỹ liên tục tăng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7%, thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ tăng từ 11% lên 19%, xếp thứ 2, bám sát quốc gia đứng đầu là Trung Quốc và tạo khoảng cách lớn với Bangladesh là quốc gia xếp thứ 3.

Hướng tới nguyên liệu xanh

Báo cáo của tổ chức thống kê dữ liệu Mỹ chấm điểm về đa dạng hóa sản phẩm, hiện Trung Quốc vẫn đứng đầu và không có đối thủ cạnh tranh. Bangladesh được đánh giá cao nhưng cũng chỉ bằng 1/3 điểm của Trung Quốc về mức độ đa dạng hóa sản phẩm. Do đó, DN dệt may không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia phải phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc vì họ cung cấp đến 50 - 60% nguyên liệu vải của cả thế giới.

"Đó là thách thức, cũng là bài toán mà bấy lâu nay chúng ta vẫn loay hoay, khó lại càng khó hơn khi không chủ động được nguồn nguyên liệu cho chuỗi dệt may. Ngành sẽ hướng tới các khách hàng lớn quan tâm đến Chiến lược “một điểm đến cung ứng trọn gói các sản phẩm dệt kim Xanh cho khách hàng trong chuỗi dệt may toàn cầu” để phát triển bền vững” – Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex Vương Đức Anh chia sẻ.

Cùng với đó, hiện chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Bất lợi về tỷ giá khiến DN dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh, các DN đang phải tái tổ chức lại dây chuyền sản xuất do thiếu hụt lao động. Tùy từng địa phương, tỷ lệ lao động thiếu hụt khoảng 5 - 7% ở phía Nam (chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành) và 8 - 10% ở phía Bắc. Đặc biệt, việc thiếu nguyên phụ liệu trong ngắn hạn sẽ khiến các DN khó khăn khi đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

Đối diện với nhiều thách thức, ông Thân Đức Việt chia sẻ, từ nhiều năm nay, đơn vị đã có chiến lược đa dạng nguồn cung nguyên phụ liệu xây dựng khoảng 600 nhà cung cấp nguyên vật liệu trên toàn thế giới để phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nhà cùng các nhà cung cấp trong nước, May 10 hướng đến các đối tác từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Tỷ trọng này sẽ tăng lên và có thể chủ động được trong 5 - 10 năm tới.

Được biết, khả năng “vượt khó” của ngành dệt may Việt Nam và Vinatex suốt 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch vừa qua, nhất là năm 2021 Vinatex đạt kết quả tốt nhất trong suốt 26 năm thành lập, hướng tới mục tiêu chiến lược cho giai đoạn phục hồi hậu Covid 2022 - 2025 và quy hoạch đến năm 2030 đáng ghi nhận.

Theo đó, dệt may sẽ trở thành “một điểm đến cung ứng trọn gói các sản phẩm dệt may cho khách hàng trong chuỗi dệt may toàn cầu” đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững. Trong đó tập trung vào các sản phẩm dệt kim, tăng gấp đôi năng lực sản xuất vải dệt kim từ 25.000 tấn/năm hiện nay lên 50.000 tấn/năm vào năm 2025 và tiếp tục gấp đôi năng lực sau mỗi 5 năm. Đủ khả năng cung cấp 250 triệu sản phẩm may mặc dệt kim/năm có sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ sợi trở đi trong nội bộ hệ thống của Tập đoàn.

 

Vinatex sẽ phát triển bền vững với mục tiêu năm 2030 giảm phát thải 30% so với hiện nay, hướng tới không phát thải carbon vào năm 2050, theo đúng mục tiêu Chính phủ Việt Nam đã cam kết trong COP26 và đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm xanh, tuần hoàn của người mua hàng và của các thị trường nhập khẩu chính.