Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngành giao thông tăng tốc "chạy đua" giải ngân đầu tư công

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với cuộc đua tiến độ trên công trường các dự án, cuộc chạy đua giải ngân vốn đầu tư công trong các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng diễn ra rất thú vị.

 

Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được giao cho Bộ GVTT khá nặng nề.
Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được giao cho Bộ GVTT khá nặng nề.

Nhiệm vụ nặng nề

Năm 2023, tổng số kế hoạch Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng. Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135 (đạt 99,97%).

Theo nhóm các chủ đầu tư/Ban QLDA, những đơn vị thuộc bộ được giao 86.094 tỷ đồng (chiếm 91,5%); các đơn vị khác được giao 8.040 tỷ đồng (chiếm 8,5%).

Theo nhóm dự án, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được giao 17.889 tỷ đồng (chiếm 19% kế hoạch vốn được giao năm 2023); các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được giao 45.266 tỷ đồng (chiếm 48%).

Các dự án ODA được giao 7.784 tỷ đồng (chiếm 8,3%). Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao 2.259 tỷ đồng (chiếm 2,4%). Các dự án giao thông trong nước còn lại được giao 20.977 tỷ đồng (chiếm 22,3%).

 

Một trong những giải pháp đột phá mà Ban QLDA Thăng Long triển khai là đơn giản hóa khâu nghiệm thu, thanh toán. Hồ sơ thanh toán từ hiện trường gửi về sẽ chuyển qua một nhóm chuyên môn gồm đại diện tất cả các phòng liên quan cùng xem và trình lãnh đạo ban phê duyệt. Không phải qua từng phòng, ban nhằm rút ngắn thời gian, xoay vòng dòng tiền cho nhà thầu một cách nhanh nhất – Đại diện Ban QLDA Thăng Long

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân, ngay từ lúc này, các đơn vị trong ngành giao thông đã có những kế hoạch giải ngân chi tiết. Các cao tốc Bắc – Nam phía Đông được nhận định sẽ là “đầu tàu”.

Như đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành trước 30/4 nhưng hiện nay, khối lượng công việc còn lại vẫn rất lớn, giá trị giải ngân tại dự án được giao hơn 3.200 tỷ đồng. Ban QLDA cho biết đã đặt mục tiêu cơ bản xong phần thảm trong tháng 3/2023 để chuyển sang hoàn thiện các hạng mục khác.

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang cũng là nơi tập trung vốn đầu tư công lớn với 3.593 tỷ đồng cho đoạn tuyến Chí Thạnh - Vân Phong và 3.283 tỷ đồng cho đoạn tuyến Vân Phong - Nha Trang.

Để giải ngân hết số tiền khổng lồ trên, Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, vật tư, cấu kiện đến công trường, tập trung thi công các cầu trên tuyến.

Đặc biệt, là một trong những dự án được giao kế hoạch giải ngân vốn lớn nhất với 3.531 tỷ đồng phải giải ngân, dự án Vũng Áng – Bùng sẽ phải đua tiến độ để có thể giải ngân hết trong năm 2023.

Tiến độ thi công trên công trường sẽ quyết định rất nhiều đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tiến độ thi công trên công trường sẽ quyết định rất nhiều đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Hai cuộc đua song hành

Hiện, các nhà thầu cao tốc Bắc – Nam đang rất tích cực huy động nhân lực, vật lực cùng chạy đua tiến độ trên công trường. Đây là cách tốt nhất để “thúc” tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cũng là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị trong năm 2023.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT, số vốn giải ngân năm 2023 của Bộ GTVT tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn được giao hơn 63.100 tỷ đồng, chiếm 67% tổng kể hoạch vốn. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân, biện pháp thi công trên công trường các dự án buộc phải thay đổi.

Hiện nay, việc thi công lại phụ thuộc khá nhiều và mặt bằng sạch cũng như vật liệu thi công trong khi đây lại là hai khâu rất dễ “tắc” tại dự án cao tốc Bắc – Nam.

Giải pháp các nhà thầu đang áp dụng là thi công cuốn chiếu ngay  hạng mục thay vì chờ đợi thi công tuần tự để tăng giá trị giải ngân. Đây được đánh giá là giải pháp hợp lý nhất lúc này.

Về phía Bộ GTVT, vừa qua, cơ quan này cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án xây dựng ngay kế hoạch chi tiết, từ việc huy động thiết bị, nhân lực để tổ chức thi công ngay.

Theo đó, các chủ đầu tư đều đặt ra mục tiêu năm 2023 phải đưa sản lượng thi công dự án đạt 30 - 35% giá trị hợp đồng. Dù đây là mục tiêu rất lớn nhưng tất cả buộc phải làm được mới có thể hoàn thành nhiệm vụ giải ngân khối lượng vốn lớn của các chủ đầu tư.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, trong các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang triển khai thì các dự án thuộc giai đoạn 2017 – 2020 hiện tương đối thuận lợi khi công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, các khó khăn về mỏ vật liệu cũng được tháo gỡ.

Nhiệm vụ chính của các nhà thầu lúc này là tập trung nguồn lực tài chính để triển khai thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi, thi công “3 ca, 4 kíp” để lấy lại tiến độ bị chậm. Khi tiến độ trên công trường được đẩy nhanh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng theo.

 

Năm 2023, tổng số vốn Ban QLDA Mỹ Thuận được Bộ GTVT giao là 10.587 tỷ đồng, tập trung ở 3 dự án lớn: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (900 tỷ đồng), cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (2.802 tỷ đồng) và đoạn Hậu Giang - Cà Mau (4.337 tỷ đồng). Dự kiến, trong tháng 1/2023, sản lượng giải ngân của Ban QLDA Mỹ Thuận đạt 319 tỷ đồng (đạt 3,01% kế hoạch vốn năm 2023) tập trung ở dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Mục tiêu lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 2/2023 của đơn vị sẽ là 2.357 tỷ đồng (đạt 22,26% kế hoạch vốn năm 2023).