Chú trọng phát triển kỹ thuật cao
Năm 2018, ngành y tế Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến khoa khám bệnh; triển khai bệnh viện vệ sinh, bệnh viện xanh - sạch - đẹp; tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện; tổ chức cải tiến quy trình khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh các bệnh viện, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình khám bệnh; tiếp tục triển khai các giải pháp giảm quá tải tại một số bệnh viện và cho tuyến trên.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, ngành chú trọng phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện T.Ư, trong đó một số lĩnh vực là thế mạnh của y tế Hà Nội như sản phụ khoa (sàng lọc không xâm lấn NIPS, sàng lọc thính lực, sàng lọc tim bẩm sinh…); tim mạch (phẫu thuật APSO typs 3,4, phẫu thuật tim mở ít xâm lấn có hỗ trợ của nội soi, phẫu thuật tim mở cho tim bẩm sinh phức tạp, nhẹ cân cho trẻ sơ sinh, phẫu thuật thay quai động mạch chủ cho bệnh lý phồng tách động mạch chủ…); ung bướu (chụp PET/CT, chụp mạch số hóa xóa nền, nút mạch hóa dầu điều trị ung thư gan và một số bệnh lý ung bướu khác, xạ trị điều biến liều...); phẫu thuật tạo hình (cắt và tạo hình thực quản qua nội soi, thay đoạn động mạch nhân tạo, nội soi khớp háng điều trị hội chứng va đập chỏm ổ cối FAI, phẫu thuật điều trị trật khớp bánh chè bẩm sinh…).
Đặc biệt, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến như phẫu thuật nội soi một lỗ không sẹo với nang ống mật chủ trẻ em; phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cắt đại - trực tràng trong điều trị ung thư; điều trị rò hậu môn bằng phương pháp nội soi lỗ rò; kỹ thuật TEM; điều trị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp bằng ozon…
Ngoài ra, ngành đặc biệt chú trọng cải tiến chất lượng bệnh viện, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh nhằm thu hút người bệnh đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên.
Sở Y tế đã khảo sát 67 bệnh viện trong và ngoài công lập đánh giá sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế. Kết quả cho thấy, 84,2% số người bệnh ngoại trú hài lòng và rất hài lòng, tỷ lệ này ở người bệnh nội trú là 91,36%.
Để người dân không phải lên tuyến trên
Hà Nội là một trong 8 tỉnh, TP được chọn thực hiện đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường. Sở Y tế Hà Nội đã triển khai 4 mô hình trạm y tế điểm theo nguyên lý y học gia đình. Đó là các trạm y tế xã Minh Châu (Ba Vì), xã Tân Hội (Đan Phượng), phường Tây Mỗ (Bắc Từ Liêm) và phường Yên Nghĩa (Hà Đông).
Sở Y tế đã tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ trạm y tế; phối hợp với các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện E, Bệnh viện Châm cứu T.Ư, Bệnh viện Nội tiết T.Ư, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ các trạm y tế.
Sở cũng chú trọng nâng cao điều kiện khám bệnh chữa bệnh cho Nhân dân tại các trạm y tế bằng cách sửa chữa cơ sở vật chất, bố trí lại các phòng chuyên môn; bổ sung trang thiết bị y tế và cung ứng đầy đủ danh mục thuốc tương đương với tuyến trên khi có các bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ khám, chữa bệnh tại trạm.
Các TTYT quận, huyện đã làm việc với BHYT địa phương để chuyển thẻ BHYT về trạm y tế điểm khám bệnh, chữa bệnh ban đầu BHYT, góp phần giảm chi phí khám bệnh chữa bệnh và đưa dịch vụ y tế có chất lượng đến gần người dân.
Trước bài toán thiếu hụt nhân lực có trình độ cao ở tuyến y tế cơ sở, cùng với việc thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở. Đồng thời, tạo thuận lợi nhất cho người dân được khám bệnh, chữa bệnh phòng chống dịch bệnh, tư vấn điều trị và chăm sóc sức khỏe hiệu quả ngay tại địa phương.
Thực tế cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại 4 trạm y tế điểm nhiều hơn. Số bệnh nhân nâng lên khoảng 30 - 40% so với trước khi triển khai thực hiện. Đồng thời, bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp được lập hồ sơ quản lý bệnh không lây nhiễm ngay tại trạm y tế.
Cùng với việc xây dựng các trạm y tế điểm, ngành y tế Hà Nội cũng quan tâm phát triển các trạm y tế trong toàn TP với 100% trạm y tế đạt tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế xã. Ngành đã tổ chức sàng lọc ung thư đại trực tràng cho người dân tại 26 quận, huyện.