Tỷ lệ giải ngân còn rất thấp
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh Quảng Nam giao là 6.906 tỷ đồng, tăng 386,3 tỷ đồng so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2023; đồng thời thực hiện chuyển nguồn sang năm 2024 đối với nguồn ngân sách Trung ương khen thưởng vượt thu năm 2022 là 150 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 7.056,8 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.194,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.861,8 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 1.827,4 tỷ đồng
Nhưng theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, đến hết ngày 30/6/2024, vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân 2.639,1 tỷ đồng, mới đạt 29,7% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 2.038,5 tỷ đồng, mới đạt 28,9%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 600,6 tỷ đồng, mới đạt 32,9%.
Hiện phần lớn các địa phương tại tỉnh Quảng Nam đều giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch. Điển hình huyện Hiệp Đức, tổng vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn hơn 173,3 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn năm 2024 hơn 130,2 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài và chuyển nguồn hơn 43,1 tỷ đồng.
UBND huyện đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 cho các ngành, địa phương 118/130,2 tỷ đồng (đạt 90% kế hoạch); nguồn vốn còn lại chưa phân bổ hơn 12,2 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 15/9 đã giải ngân 71,8/173,3 tỷ đồng (mới đạt 41,4%). Tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư công đến 15/9 hơn 56,9 tỷ đồng.
Một địa phương khác là huyện Nông Sơn cũng rất chậm trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của UBND huyện, tổng kế hoạch vốn giao năm 2024 hơn 147,6 tỷ đồng; trong đó vốn năm 2024 hơn 87,1 tỷ đồng, vốn năm 2023 kéo dài hơn 60,4 tỷ đồng. Đến nay Nông Sơn đã giải ngân hơn 35,3 tỷ đồng (tỷ lệ mới 23,9%).
Hiện tỷ lệ giải ngân thấp rơi vào các công trình có nguồn vốn bố trí lớn như nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ ĐH14 đến phía nam Hồ Sen; đường nội thị trung tâm huyện Nông Sơn; nâng cấp Hố Cái huyện Nông Sơn; đường từ ĐH 7.NS đi Hóc Xoài - Hố Sến; nâng cấp, mở rộng đường ĐH4.NS (đoạn từ cầu Nông Sơn đến làng Đại Bình); đường ô tô đến trung tâm hành chính xã Ninh Phước; cầu Trùm Ná; nhà thi đấu đa năng huyện Nông Sơn…
Yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức thừa nhận giải ngân vốn đầu tư công của địa phương chưa đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân một phần đến từ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn do lịch sử quản lý đất đai; đơn giá bồi thường nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, con vật nuôi tại một số khu vực, vị trí chưa sát với thực tế; một số vị trí người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung.
Chưa kể, công tác khảo sát, chọn danh mục đầu tư năm 2024 của các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ở một số địa phương chưa sát với thực tế. Dẫn đến phải điều chỉnh danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn làm ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ, thi công và giải ngân các nguồn vốn. Ngoài ra, trách nhiệm của một số chủ đầu tư và cơ quan chức năng còn hạn chế, phối hợp chưa tốt, chưa quyết liệt trong lập thủ tục đầu tư…
Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết một số nhà thầu không đủ năng lực đã được địa phương thống nhất cho chấm dứt hợp đồng, lực chọn đơn vị mới để đẩy nhanh tiến độ. Huyện cam kết giải ngân 100% đối với nguồn vốn năm 2023 kéo dài; đối với nguồn vốn bố trí năm 2024, trong thời gian còn lại trong năm, huyện sẽ tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng, giải ngân đạt tỷ lệ 50% trở lên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng khẳng định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nên yêu cầu cả hệ thống chính trị, mặt trận, đoàn thể địa phương cùng vào cuộc, thực hiện với quyết tâm cao. Lãnh đạo tỉnh cũng phê bình huyện Hiệp Đức và Nông Sơn về tỷ lệ giải ngân quá thấp so với dự kiến.
Ông Trần Nam Hưng cũng yêu cầu huyện Hiệp Đức phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 90%. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chủ động quỹ đất tái định cư và mỏ đất, cát nguyên liệu phục vụ các dự án. Đối với huyện Nông Sơn phấn đấu giải ngân nguồn vốn tỉnh đạt 100%, vốn ngân sách huyện 90%, vốn chương trình mục tiêu quốc gia 100%.