Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày đầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp xã: Gỡ vướng để phục vụ dân tốt nhất

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch của UBND TP, sau 10 ngày “chạy” thử, hôm qua, ngày 10/11, cả 139 xã thuộc 6 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm chính thức đồng loạt triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 lĩnh vực tư pháp - hộ tịch cấp xã.

Cán bộ đã sẵn sàng
Đầu giờ sáng 10/11, bộ phận Một cửa (BPMC) của nhiều xã, thị trấn tại huyện Hoài Đức đã bố trí đầy đủ cán bộ và đoàn viên thanh niên ứng trực, sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến về khai sinh, khai tử. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó trưởng Phòng VH - TT huyện Nguyễn Viết Thanh cho biết: Huyện đang tiến hành tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh và tiếp sóng đến hệ thống loa của xã phát 2 lần/ngày, tới đây sẽ cho in các tờ rơi phát đến các địa bàn dân cư. Về trình độ cán bộ cơ bản đáp ứng công việc mới, sau khi được tập huấn đã nắm bắt đầy đủ, có thể ứng phó với những lỗi phần mềm thực tế xảy ra trong quá trình triển khai.

Cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Song Phương (huyện Hoài Đức) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến để đăng ký khai sinh.

Từ ngày 3/11, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp tới toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn. Chỉ tiêu cụ thể được huyện đặt ra là ngay trong tháng 11/2016 đạt 70% hồ sơ được xử lý trực tuyến (trong đó, tỷ lệ người dân tự nhập hồ sơ chiếm 10%); tháng 12/2016 đạt 80% hồ sơ được xử lý trực tuyến (người dân tự nhập đạt 15 - 20%). “Cán bộ cơ bản đảm bảo về nhận thức, trình độ CNTT. Tuy nhiên, UBND huyện cũng xác định với đặc thù chủ yếu người dân làm nông nghiệp, trình độ CNTT còn thấp, chưa nhiều hộ có máy tính kết nối internet, UBND huyện và xã, thị trấn sẽ phải làm thật mạnh công tác tuyên truyền và cán bộ phải tích cực “cầm tay chỉ việc” cho người dân” - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Đỗ Văn Anh cho biết.
Để sẵn sàng vận hành hệ thống, cùng với tập huấn, tuyên truyền qua loa, UBND huyện Đông Anh đã cho soạn thảo một tài liệu chung cho các xã, thị trấn “hướng dẫn công dân sử dụng DVCTT mức độ 3” để phát cho người dân khi đến BPMC và tuyên truyền đến các địa bàn dân cư; yêu cầu các xã niêm yết công khai tại BPMC, khu dân cư, nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố...
Tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), ngay trong sáng 10/11, cán bộ Một cửa đã tiếp nhận 2 hồ sơ đăng ký khai sinh được nộp trực tuyến. Những ngày tới, UBND xã sẽ cho in các tờ rơi hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện theo mẫu chung của huyện để phát kèm theo kết quả giải quyết hồ sơ trả cho công dân, phát đến các địa bàn dân cư... Theo Trưởng Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm Nguyễn Đình Quang: Ngay sáng 10/11, Phòng đã chủ trì biên soạn chương trình hỏi đáp về DVCTT mức độ 3, chi tiết đến từng dịch vụ để tuyên truyền trên loa phát thanh. Phòng cũng chủ động phối hợp biên soạn tờ gấp về DVCTT mức độ 3, trước hết phát hành đến UBND xã/thị trấn và sau đó đến giáo viên, học sinh các trường THCS, tiểu học, mầm non. Lãnh đạo UBND huyện đã yêu cầu trong 2 tuần đầu, cả 22 xã, thị trấn hàng ngày phải báo cáo nhanh tình hình, khó khăn; sau đó báo cáo 1 lần/tuần vào chiều thứ 6, để huyện tổng hợp báo cáo UBND TP.
Sớm gỡ vướng về máy móc, đường truyền  
Theo khảo sát của phóng viên, trong thời gian “chạy” thử và ngày đầu chính thức thực hiện DVCTT mức độ 3, nhìn chung cán bộ xã/thị trấn đảm bảo trình độ CNTT, thành thạo thao tác trên máy tính, có thể xử lý sự cố phát sinh. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là thiếu thốn máy móc, thiết bị; đường truyền, phần mềm chưa ổn định; hơn nữa, trình độ dân trí, nhận thức của người dân tại nhiều địa bàn xã còn thấp. Đơn cử tại Đông Anh, trong 10 ngày “chạy” thử, đa số các xã có hiện tượng đăng nhập vào phần mềm ESAM bị chậm, một hồ sơ phải nhập 3, 4 lần vì bị “treo”. Cán bộ xã Ninh Hiệp phản ánh, phần mềm ESAM cài trong máy tính của công chức khối tư pháp không đăng nhập được bằng tài khoản do Sở TT&TT cung cấp. Hay tại xã Đặng Xá, bình quân một hồ sơ xử lý qua phần mềm ESAM mất 30 - 45 phút. Cán bộ Một cửa xã Cổ Bi cũng cho biết, ngay trong sáng 10/11, nhập trực tuyến một hồ sơ đăng ký khai sinh cho công dân cũng mất gần 30 phút mới hoàn thành…
Anh Nguyễn Đức Chiến - Cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Song Phương (huyện Hoài Đức) cho hay, BPMC của xã có 3 cán bộ phải dùng chung 1 máy tính mà cũng đang bị lỗi phần mềm, chưa có máy đặt ra ngoài để hướng dẫn người dân. Để khắc phục, UBND xã sẽ phải chưng dụng máy tính ở các nơi khác để đặt tại BPMC. Vướng mắc nữa là cán bộ chuyên môn tại BPMC vẫn phải sử dụng một lúc 3 phần mềm, qua rất nhiều công đoạn xử lý thông tin. “Chúng tôi mong TP sớm chỉ đạo triển khai DVCTT một cách đồng bộ. Đồng thời, cần trang bị đầy đủ máy móc cho cấp xã để phục vụ cán bộ và nhất là đặt ra ngoài để hướng dẫn người dân thao tác trực tiếp, để họ quen dần và sẽ tự nộp hồ sơ từ nhà” - anh Chiến bày tỏ.
Một số cán bộ huyện đề xuất TP thiết kế những demo (clip) theo mẫu chung toàn TP để hướng dẫn trực quan cho người dân, vì nếu theo cả quyển hướng dẫn dài thì họ khó tiếp cận, trong khi các tờ rơi cũng chỉ tóm tắt chứ không chi tiết được. Đặc biệt, cần thêm phụ cấp cho cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện DVCTT để động viên họ, cho dù đã là nhiệm vụ được giao thì họ vẫn phải chủ động vượt khó để hoàn thành.