Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Ngày Thơ năm nay được lấy cảm hứng từ chính chủ đề "Bản hòa âm đất nước", với tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Các sự kiện chính sẽ diễn ra trên trục thần đạo của Hoàng thành Thăng Long, chiếu từ cửa Đoan Môn đến Cột cờ Hà Nội. Đêm thơ Nguyên Tiêu tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, nên vầng trăng được chọn làm ngôn ngữ thiết kế không gian mỹ thuật.
“Cổng thơ” là những vầng trăng non uốn lượn trên hành trình tròn đầy vào đúng ngày Rằm. Bước qua Cổng thơ là Đường thơ được trang trí bằng những mầm lá non cách điệu, với họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay do Ban tổ chức tuyển chọn. Tổng cộng sẽ có 54 câu thơ, tương ứng với 54 dân tộc.
Tiếp đến là “Cây thơ”, trên đỉnh cây thơ là một nửa vầng trăng, bên dưới là 54 câu đố thơ được treo trên cành cây. Khán giả có thể tham gia trò đố vui: đọc câu thơ, gọi đúng tên tác giả và nhận phần thưởng.
Buổi tối là “Đêm thơ” với chương trình mở đầu là màn biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường do các nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình thực hiện quanh 22 đài đuốc. Được trình diễn trong Đêm thơ là các truyện thơ, sử thi: “Bách điểu bách hoa” của dân tộc Tày; “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường và “Xống chụ xonxao” (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái. Đây là những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
"Chương trình là sự kết hợp hài hòa, cân đối các yếu tố sân khấu hóa trong trình diễn thơ, sử dụng các hiệu ứng âm nhạc, diễn xướng, âm thanh, ánh sáng, trang phục... song song với việc duy trì lối đọc thơ truyền thống của các nhà thơ, mong muốn đem đến sự thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm thơ xuất sắc của các nhà thơ dân tộc" – ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.