Khi những cánh đồng lúa vụ Đông Xuân chín vàng được thu hoạch xong cũng là lúc người làm nghề cuộn rơm thuê bằng máy bước vào “chính vụ”.
Thời điểm này, anh Nguyễn Văn Phong (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) tất bật đi khắp cánh đồng ở Bình Định rồi đến các tỉnh lân cận như: Phú Yên, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Quảng Ngãi.
“Cuộn rơm bằng máy thì tốc độ nhanh hơn, một ngày làm khoảng 6 – 7 mẫu ruộng, còn người dân cuộn thủ công thì một ngày chỉ làm được 2-3 sào, mà phải 3-4 người làm”, anh Phong nói.
Anh Phong có “thâm niên” 7 năm làm nghề cuộn rơm. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng rơm cuộn ngày một tăng cao nên kết thúc vụ gặt là lúc anh bận rộn nhất. Với mức tiền công mỗi cuộn rơm là 7.000 đồng, mới ra Quảng Ngãi được tầm 10 ngày, anh Phong đã kịp “dắt túi” khoảng 20 triệu đồng.
“Bình quân mỗi ngày cuộn khoảng 9 tiếng đồng hồ. Tùy theo diện tích và đặc điểm từng ruộng thì sau khi trừ chi phí, mỗi ngày kiếm được 3- 4 triệu đồng”, anh Huỳnh Thanh Trúc- một người làm nghề cuộn rơm khác, cho hay.
Rơm sau khi cuộn được sử dụng vào nhiều mục đích như: Làm nấm rơm, làm giá thể bảo quản các đồ dễ vỡ như: sành, sứ, hay thức ăn cho gia súc… Khác với những vùng trồng lúa ở miền Tây Nam Bộ, hầu hết các hộ trồng lúa ở Quảng Ngãi thường kết hợp với nuôi trâu bò để tận dụng hết phế phẩm còn lại sau khi thu hoạch.
“Trước kia, một sào thì công tốn mất 150 nghìn đồng, nếu thuê máy cuộn thì tầm 80- 90 nghìn đồng thôi. Cuộn máy tiện vì làm nhanh, rơm cuộn chặt hơn, bảo quản lâu hơn, cũng đỡ lo lắng trời chuyển mưa. Rơm mắc mưa làm thức ăn cho bò không ngon”, ông Trần Văn Nhành (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) chia sẻ.
Cùng với đưa máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, việc đưa vào sử dụng máy cuộn rơm góp phần giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Vì thế, nghề cuộn rơm bằng máy dù chỉ mới xuất hiện ở Quảng Ngãi khoảng hai năm trở lại đây nhưng đã được bà con nông dân tiếp nhận và ưa chuộng bởi những tiện ích mà nó mang lại.
Nhiều nông dân hy vọng, mô hình cuộn rơm bằng máy sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện có diện tích sản xuất lúa lớn như: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thị xã Đức Phổ...