Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tuấn Lai và “Tình yêu Hà Nội”

Quang Vinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ ra mắt sách “Tình yêu Hà Nội” và galery ảnh nghệ thuật của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn Lai) đã diễn ra sáng 20/6 tại Hà Nội.

Cuốn sách tập hợp 154 bức ảnh màu khổ 25x25 do NXB Hồng Đức phát hành, được tác giả tuyển chọn trong số những tác phẩm tích lũy suốt 10 năm. Tràn đầy cảm xúc và sự sáng tạo nghệ thuật, Tuấn Lai mang đến cho người xem cách nhìn mới về Hà Nội vừa hiện đại vừa truyền thống, về cách người Hà Nội mang truyền thống vào cuộc sống đương đại. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Cống hiến cho nhiếp ảnh, nên tôi mong muốn làm cuốn sách này không chỉ để thỏa mãn đam mê, mà còn mong muốn lan tỏa tình yêu Hà Nội đến mọi người”.
 Triển lãm tại Galery Nguyễn Anh Tuấn thu hút đông đảo người dân tới tham quan. Ảnh: Quang Vinh
Hàng chục năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tuấn Lai tay máy tay ống lang thang khắp các ngõ ngách, thôn làng của Hà Nội. Có những kiến trúc cổng làng Bưởi, cổng làng Yên Phụ có nhiều mảng chạm khắc rồng lượn đã kịp thời được nghệ sĩ Tuấn Lai ghi lại. Đến nay, những vẻ đẹp ấy đã bị phá bỏ, nhường lại là con đường đổ bê tông và các dãy nhà cao tầng. “Có những bức ảnh như một số cổng làng cổ Đường Lâm, cổng chào Hà Nội dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội, một số các lễ hội, các làng nghề truyền thống của Thủ đô hay sự thay đổi của kiến trúc Hà Nội xưa và nay đều được tôi ghi lại. Những hình ảnh này hiện nay đã dần bị mai một hoặc chỉ được xuất hiện một lần”- nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Dịp này, gallery ảnh nghệ thuật của Nguyễn Anh Tuấn cũng được khai trương tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức - quê hương của nghề nhiếp ảnh nổi tiếng, cũng là quê hương của tác giả. Ở đây trưng bày những tác phẩm mà ông ưa thích về cuộc sống Hà Nội, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phong cảnh thiên nhiên và những sinh hoạt đời thường của các dân tộc thiểu số ở nhiều tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên... Thành lập galery để trưng bày các tác phẩm của cá nhân, hơn thế, nghệ sĩ Tuấn Lai còn muốn nơi đây sẽ là chuỗi kết nối với các địa điểm văn hóa như Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên… đặt tại đây.

Còn nhớ, năm 2015, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã thành lập bảo tàng về cha mình - Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam - Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Theo tâm sự của PGS Nguyễn Văn Huy, ông thành lập bảo tàng không chỉ để lưu giữ những kỷ vật về cha mình, mà còn hướng đến nhu cầu giáo dục, kết nối con người. Một năm sau khi Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ra đời, những người con của quê hương nhiếp ảnh tiếp tục thành lập một bảo tàng tư nhân mang tên Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Với những địa chỉ văn hóa này, người dân vùng thôn quê Lai Xá bắt đầu đón những vị khách nước ngoài ghé thăm. Tuy nhiên, những galery nghệ thuật, bảo tàng tư nhân mới chỉ là điểm khởi đầu cho chương trình giáo dục kết nối con người. “Cái khó khăn của chúng tôi cũng như các dịch vụ văn hóa khác đó là “một cây làm chẳng nên non”, cần sự hợp tác chặt chẽ của ngành du lịch. Chúng ta phải biết nâng niu các điểm đến văn hóa thì mới có thể tạo ra một mạng lưới điểm đến cho khách du lịch” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy tâm sự.

Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn Lai) sinh năm 1952, làm công tác nhiếp ảnh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đến với nhiếp ảnh từ những năm đầu Giải phóng miền Nam, đến nay ông đã có nhiều triển lãm đáng chú ý như: Mẹ và quê hương (1998), Mẹ (2015), Hà Nội - thành phố Hòa Bình (2016) cùng một số tác phẩm đoạt giải thưởng: “Em bé chăn dê ở Phố Cáo, Hà Giang” (2011), “Bu Cầu” (2014), “Cốm Vòng”, “Hà Nội đương đại” (2017)…