“Ông hoàng” hồ quảng cải lương miền Nam
Nghệ sĩ Vũ Linh (tên thật là Võ Văn Ngoan) là giọng ca đình đám của sân khấu cải lương. Từ bé, ông đã bộc lộ năng khiếu ca hát, biểu diễn cho đoàn Hoa Anh Đào Kim Chưởng. Tại đây, nam nghệ sĩ có dịp gặp gỡ nghệ sĩ Diệu Hiền, được động viên theo đuổi nghệ thuật tuồng cổ. Đến năm 1988, Vũ Linh cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2. Từ đây, tên tuổi của ông được mọi người chú ý nhiều hơn.
Nghệ sĩ Vũ Linh từng kết hợp với nhiều cô đào nổi tiếng của sân khấu cải lương như Phương Hồng Thủy, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ, Thanh Hằng, Thanh Ngân… Trong đó, những màn hòa giọng cùng Tài Linh để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả. Họ được xem là đôi “thanh mai - trúc mã”, từng thể hiện các tác phẩm như “Xử án Bàng Quý Phi”, “Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ”, “Thái Tử Đan giả gái”.
NSƯT Lê Thiện, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cũng là người quản lý đầu tiên của NSƯT Vũ Linh chia sẻ: “Anh là một người diễn Hồ quảng, tuồng cổ tôi nghĩ sau NSND Thanh Tòng, một số nghệ sĩ khác nữa thì không có người thứ hai, thứ ba.
Khi anh về Trần Hữu Trang, vở đầu tiên anh tham gia là "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài". Tôi không nhớ là bao nhiêu suất diễn nhưng có những ngày chúng tôi diễn đến ba suất, đó là vào khoảng những năm 1980”.
Không chỉ gây ấn tượng bởi giọng hát, Vũ Linh còn được nhiều người yêu mến bởi sự thẳng thắn, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp.
Là người đồng nghiệp, người em thân thiết, nghệ sĩ Thoại Mỹ kể cô được Vũ Linh chỉ dạy từng cử chỉ, cách diễn, giọng hát để ngày càng trưởng thành hơn.
“Trong nghề, anh Vũ Linh rất nghiêm khắc. Đàn em mặc đồ sai nhân vật, hát chưa đúng, sẽ bị anh la ngay. Khi tập tuồng, thấy chúng tôi hát và diễn chưa được, anh nhảy lên sân khấu hướng dẫn luôn. Anh không giấu nghề. Anh muốn chúng tôi thành công, được khán giả yêu mến" - nghệ sĩ Thoại Mỹ chia sẻ.
Xây dựng 11 mái ấm tình thương
Ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ Vũ Linh lui về hậu trường để hỗ trợ cho thế hệ trẻ và nhận đỡ đầu một số nghệ sĩ trẻ như Bình Tinh, Vũ Luân. Sau này, ông đi hát chủ yếu để phục vụ cho công tác từ thiện. Nam nghệ sĩ đã xây dựng được 11 mái ấm tình thương, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Từ năm 2019, NSƯT Vũ Linh ngừng đi diễn do sức khỏe sa sút. Nam nghệ sĩ mang trong người căn bệnh đường ruột kéo dài nhiều năm, đồng thời có bệnh về cột sống nên không thể đứng thường xuyên hay biểu diễn vũ đạo.
Cuộc đời nghệ sĩ Vũ Linh phần lớn dành cho nghệ thuật nên khi gác lại sự nghiệp vì bệnh tật, ông buồn và nhớ nghề. Bình Tinh kể: "Ba thèm được hát, thèm được đứng trên sân khấu. Thậm chí, có những ngày ba nằm mơ thấy mình được biểu diễn, nhưng mà lực bất tòng tâm".
Chia sẻ về những ngày cuối đời của nghệ sĩ Vũ Linh, Thoại Mỹ nói trong sự xúc động: “Hai tuần trước, anh phải nhập viện vì đau và khó thở. Căn bệnh ung thư thực quản đã hành anh đau đớn. Anh phát hiện bị bệnh vài năm qua nhưng đã từ chối phẫu thuật.
Bác sĩ điều trị cho biết nếu mổ, có thể sẽ ảnh hưởng đến giọng hát của anh. Với người tâm huyết, sống chết với nghề như anh Vũ Linh, giọng hát và khát khao được hát trước khán giả là hạnh phúc lớn nhất. Anh cũng tâm niệm cha mẹ đã cho anh giọng hát, anh sẽ sống chết với nghề vì vậy anh chọn cách điều trị thay vì phẫu thuật”.
Trưa 5/3, nghệ sĩ Vũ Linh đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), nhiều đồng nghiệp, người em thân thiết trong nghề bàng hoàng, không giấu được xúc động.
NSƯT Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại TP Hồ Chí Minh. Ông xuất thân trong gia đình nghèo nên việc học hành dang dở. Năm 13 tuổi, gia đình cho ông học hát ở Trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với Văn Vĩ.
Năm 1972, ông theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ đi lưu diễn ở các tỉnh, một thời gian sau thì về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng.
Trên sân khấu này, ông gặp được NSƯT Diệu Hiền và nghệ sĩ Trương Ánh Loan - hai người thầy đã dạy cho ông nhiều bài học kinh nghiệm trong diễn xuất.
Từ những đoàn hát ban đầu, anh đã trải qua rất nhiều đoàn hát như Khánh Hồng An Giang, Sông Bé, Thiên Nga… Năm 1981, ông tham gia hai đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long, tạo được dấu ấn đẹp với thể loại cải lương Hồ quảng.
Năm 1991, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh lần đầu tổ chức cuộc thi “Triển vọng Trần Hữu Trang”, Vũ Linh đã đoạt huy chương vàng giải Triển vọng. Ông cũng là nam nghệ sĩ duy nhất trong số sáu diễn viên đoạt giải năm đó (Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh, Phương Hồng Thủy và Thanh Hằng).
Năm 1995, ông tiếp tục đoạt huy chương vàng giải Xuất sắc Trần Hữu Trang với nhân vật Nguyễn Địa Lô trong trích đoạn vở “Bức ngôn đồ Đại Việt”. Đây là năm đầu tiên Giải Trần Hữu Trang có thêm giải Diễn viên xuất sắc.
NSƯT qua đời trưa 5/3 tại nhà riêng sau thời gian chống chọi với ung thư, thọ 65 tuổi. Lễ nhập quan của NSƯT Vũ Linh diễn ra sáng 6/3, lễ động quan ngày 9/3 và an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.