Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghẽn dòng tín dụng hỗ trợ

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm tới trên 95% tổng số DN trên cả nước, đóng góp vào việc tạo công ăn việc làm và phát triển nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Vốn vay ngân hàng là điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: Thanh Hải
Vốn vay ngân hàng là điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều DNNVV hiện không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, cũng không được Quỹ Bảo lãnh tín dụng hỗ trợ. DN cần vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh mà bế tắc, không biết tìm ở đâu.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho DNNVV hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính... Đơn cử như gói hỗ trợ 2% lãi suất 40.000 tỷ đồng; gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, hạ lãi suất vay… và các chương trình tại các Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất của ngành Ngân hàng…

Nhưng theo số liệu mới đây của Bộ KH&ĐT, hiện chỉ có khoảng 25% DNNVV tiếp cận được nguồn tài chính chính thống. Phần lớn còn lại không thể tiếp cận được, phải tìm kiếm vốn từ các nguồn khác, kể cả tín dụng đen, ngoài ngân hàng. Còn khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có gần 47% số DN tư nhân gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Khó về thủ tục vay vốn và thiếu tài sản đảm bảo là rào cản khiến cho các DNNVV không tiếp cận được vốn. Để giải quyết vấn đề này, một số DNVVN nhờ bên thứ ba bảo lãnh khoản vay và theo đó, việc ra đời và hoạt động của các Quỹ bảo lãnh tín dụng có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Nhưng tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Sau hơn 4 năm triển khai Quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho DNNVV theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP, chỉ có 7,34% số DN được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ Quỹ. Đây là tỷ lệ rất nhỏ bé, thể hiện hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận vốn không hiệu quả.

Tính đến nay, cả nước có gần 30 Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập và đi vào hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng. Thực tế cũng cho thấy, nguồn vốn của các Quỹ bảo lãnh tín dụng khá hạn hẹp, chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương (cấp vốn điều lệ ban đầu, cấp bổ sung vốn điều lệ). Các Quỹ bảo lãnh tín dụng có quy mô vốn nhỏ nên không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của DN.

Đáng chú ý, có một lý do bất cập là Quỹ bảo lãnh tín dụng yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo, không khác gì quy định của các ngân hàng. Nhưng DN một khi đã có tài sản đảm bảo thì sẽ đến “gõ cửa” thẳng ngân hàng, không cần thông qua Quỹ, để phải mất thêm phí bảo lãnh. Quẩn quanh mãi, đến giờ DNNVV vẫn khó tìm nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Vì thế, từ lâu nhiều ý kiến đã yêu cầu các ngân hàng cần phải đưa ra các sản phẩm tài chính có tính cải tiến và sáng tạo hơn để phù hợp cho các DNNVV. Về Quỹ bảo lãnh, cần tái cơ cấu các Quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay thành Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.

Các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nên sắp xếp lại thành chi nhánh trực thuộc Quỹ T.Ư từ đó mới hợp nhất thành nguồn lực toàn quốc nâng mức vốn điều lệ cao lên. Cùng với đó, cần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV tiếp cận chính sách một cách thực chất, nhanh chóng và hiệu quả hơn...